Ngày 26/9, UBND tỉnh này cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, xử lý tài xế sử dụng ma túy điều khiển xe ô tô trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các địa phương trên địa bàn tỉnh ra quân thực hiện các đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm sử dụng ma túy, chất kích thích... nhất là các lái xe đường dài.
Trong quá trình kiểm tra sẽ tổng hợp theo dõi và thông báo danh sách lái xe vi phạm sử dụng chất ma túy cho các cơ quan, địa phương để phối hợp quản lý, xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, cương quyết xử lý, trấn áp các hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ. Điều tra xử lý nghiêm các vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy, chất kích thích.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, thống kê nắm chắc số lượng, tình hình hoạt động vận tải, lái xe trên địa bàn tỉnh để theo dõi, giám sát việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực giao thông đường bộ nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, phòng ngừa tai nạn giao thông. Công an tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan báo chí để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy định pháp luật và ủng hộ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT.
Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu Sở GTVT có trách nhiệm quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Tăng cường theo dõi, khai thác, sử dụng dữ liệu trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera của Cục Đường bộ Việt Nam để chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Cùng với đó, tăng cường quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Yêu cầu các cơ sở đào tạo rà soát, kiểm soát chặt chẽ về điều kiện sức khỏe của người học lái xe. Ngoài ra, Sở GTVT phải quản lý chặt chẽ công tác sát hạch cấp đổi Giấy phép lái xe (GPLX).
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu không cấp GPLX cho người không đủ điều kiện về sức khỏe, người nghiện ma túy không đủ năng lực hành vi theo quy định. Thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất các đơn vị kinh doanh vận tải việc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải, nhất là công tác quản lý, sử dụng lái xe.
Sở Y tế quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc khám, cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe; tăng cường kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe đối với người lái xe. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng cấp giấy khám sức khỏe cho người không đủ điều kiện, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe, người nghiện ma túy. Ngoài ra, Sở Y tế có trách nhiệm liên thông dữ liệu khám sức khỏe phục vụ công tác kiểm tra, quản lý lái xe của cơ quan chức năng.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể căn cứ tình hình địa phương, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định pháp luật về giao thông, tuyệt đối không được sử dụng ma túy, chất cấm.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề về kiểm tra, xử lý vi phạm ma túy và nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn liên quan người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy, chất kích thích.
Các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; quản lý chặt chẽ đội ngũ lái xe, có biện pháp xử lý các trường hợp lái xe vi phạm sử dụng ma túy, các chất kích thích khác. Không giao phương tiện cho người không đủ điều kiện, khả năng điều khiển, không bảo đảm điều kiện sức khỏe, người đã sử dụng rượu, bia, sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác.