Tham gia đồng chủ trì có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng và Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Thanh Dũng. Thành phần tham dự Hội nghị gồm: Lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công an các huyện, thị xã, thành phố, Phòng Quản lý đô thị, thành phố Quy Nhơn, Khu Quản lý đường bộ III, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, lãnh đạo các Ban Quản lý Dự án tỉnh: Giao thông, Dân dụng và Công nghiệp, Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Ban ATGT tỉnh, Ban QLDA 85, Ban QLDA 2, Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, Giám đốc các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh, Giám đốc các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải trên địa bàn tỉnh và các đơn vị có liên quan. Sau khi nghe báo cáo của Sở Giao thông vận tải và ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận như sau: Công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người bị thương và số người chết do tai nạn giao thông cơ bản giảm theo các năm. Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATGT phải luôn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, tập trung nâng cao công tác phòng ngừa tai nạn giao thông, không được lơ là mất cảnh giác, vì vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông. Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí so với năm 2022, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:
Xác định công tác bảo đảm trật tự ATGT là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục, phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp uỷ đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo đảm ATGT và kiểm soát tải trọng xe (KSTTX); nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về quản lý vận tải, năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hoá, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, Chỉ thị số 02/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh,...
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm trật tự ATGT đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa và KSTTX. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn quản lý; đồng thời, xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để tình hình vi phạm trật tự ATGT, vi phạm về tải trọng xe xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý; thực sự lắng nghe ý kiến phản ánh, đóng góp của người dân, doanh nghiệp, theo dõi thông tin của báo chí về các tuyến đường, các địa bàn có "điểm nóng" xe dù, bến cóc, xe chở hàng quá trọng tải... để chỉ đạo trực tiếp, huy động lực lượng siết chặt kiểm soát, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm; phối hợp trao đổi cung cấp thông tin, dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính để phục vụ kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa.
Tăng cường công tác giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng thực thi công vụ; giữ nghiêm kỷ luật, người thực thi công vụ phải tuyệt đối tuân thủ quy trình công tác, tác phong văn hóa ứng xử, nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm tạo chuyển biến rõ nét về hình ảnh lực lượng thực thi công vụ. Duy trì thường xuyên công tác tuần tra, kiểm soát; kiên quyết, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, như: chạy quá tốc độ, chạy không đúng làn đường, vi phạm trọng tải xe, tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe,... Các lực lượng chức năng không được “xuê xoa”, bỏ qua trong việc xử lý vi phạm dưới mọi hình thức, cương quyết xử lý đối tượng không chấp hành, chống người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm trật tự ATGT và KSTTX; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, huy động sử dụng linh hoạt các nguồn lực xã hội để tăng cường năng lực cho các lực lượng chuyên trách thực hiện công tác xử lý vi phạm trật tự ATGT và KSTTX; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT và KSTTX; kết nối, tích hợp, chia sẻ, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa các ngành có liên quan trong công tác bảo đảm ATGT. Phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng có liên quan, trong đó xác định rõ nhiệm vụ các bên, trách nhiệm phối hợp trong công tác, nhất là vai trò của chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý vi phạm trật tự ATGT và KSTTX trên địa bàn.
Các địa phương rà soát, yêu cầu các đơn vị trực tiếp quản lý khu vực đầu nguồn hàng (các bến cảng, khu mỏ, khu công nghiệp, khu kinh tế...) nghiêm túc chấp hành quy định về xếp hàng lên xe đúng tải trọng; đồng thời, theo dõi, đôn đốc và thu thập tài liệu, đề nghị xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm nhưng không có biện pháp khắc phục, không chấp hành biện pháp xử lý của lực lương chức năng.
Các sở, ngành, địa phương, lực lượng chức năng duy trì hoạt động điện thoại đường dây nóng 24/7 và bố trí bộ phận thường trực để tiếp nhận thông tin, tài liệu, đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh của cá nhân, tổ chức liên quan để xác minh xử lý kịp thời theo quy định; có cơ chế khuyến khích người dân tham gia giám sát công khai, đấu tranh, phối hợp cung cấp thông tin xử lý xe khách vi phạm trật tự ATGT. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hướng dẫn, kết nối, chia sẻ, hỗ trợ pháp lý giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, thúc đẩy mạnh mẽ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, thay đổi hành vi, ứng xử, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng./.