Siết chặt công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Thứ tư - 25/10/2023 16:59 407 0

Ông Nguyễn Văn Hoà - Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Định

Ông Nguyễn Văn Hoà - Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Định
Nhằm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Sở GTVT Bình Định đã triển khai thực hiện các giải pháp để tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn tỉnh. Chuyên mục Tuyên truyền An toàn giao thông phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Định xung quanh vấn đề này. 
- Xin ông cho biết, để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động vận tải bằng xe ô tô, Sở GTVT Bình Định đã có những giải pháp gì?
+ Ông Nguyễn Văn Hòa: Để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đảm bảo an toàn đối với phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động vận tải bằng xe ô tô, Sở GTVT Bình Định đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các bến xe khách, Phòng Quản lý vận tải, Thanh tra Sở nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phải nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hoá, đặc biệt vào các dịp Lễ, Tết. Phải chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó tập trung rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông theo quy định; rà soát điều kiện người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã. Chỉ đạo bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông của đơn vị và phải thực hiện nghiêm, đúng, đầy đủ quy trình bảo đảm an toàn giao thông theo quy định. 
Đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe kinh doanh vận tải không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô. Trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe phải sử dụng thẻ nhận dạng để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình và đăng xuất khi kết thúc lái xe. Chấp hành nghiêm việc bốc, xếp hàng hóa lên phương tiện đúng trọng tải cho phép theo quy định; thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường, che chắn cẩn thận không được để rơi vãi vật liệu, hàng hóa xuống đường khi thực hiện vận chuyển hàng rời…
Đối với các các bến xe khách, phải thực hiện đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông theo quy định. Xây dựng kế hoạch, biểu đồ chạy xe phù hợp với tình hình thực tế; tổ chức bán vé công khai, khoa học, không để tình trạng ùn tắc khách trong bến; nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ tại các bến xe; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường trong khu vực bến; giải quyết cho xe ra, vào bến đúng giờ và xác nhận đầy đủ các thông tin trong Lệnh vận chuyển theo đúng quy định; chủ động thực hiện và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn giao thông của phương tiện, người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ trên xe trước khi cho xe xuất bến; cương quyết đình chỉ hoạt động ngay tại bến xe đối với phương tiện, người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện theo quy định. Theo dõi, khai thác dữ liệu trên phần mềm quản lý bến xe và dữ liệu lưu trữ tại bến, có kế hoạch tổ chức làm việc trực tiếp với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định để thông tin kịp thời các xe khách không thực hiện đúng, đủ các chuyến xe đã đăng ký, các xe ngừng hoạt động quá 60 ngày liên tục và các vi phạm khác…
Phòng Quản lý vận tải phải siết chặt công tác quản lý, cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải; kiểm tra, thẩm định chặt chẽ đối với hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, hồ sơ đăng ký khai thác tuyến và hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại phù hiệu xe, biển hiệu xe. Cử cán bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình hoạt động phương tiện vận tải; khai thác, sử dụng dữ liệu và tổng hợp vi phạm của phương tiện, lái xe thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera gắn trên phương tiện để nhắc nhở, cảnh báo kịp thời và đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quy định trong hoạt động vận tải, đặc biệt là các trường hợp xe chạy quá tốc độ, xe không truyền dữ liệu, vi phạm quy định về thời gian lái xe; kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, biển hiệu, phù hiệu xe đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo đúng quy định…
Thanh tra Sở phải tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải và trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền, vận động thực hiện chủ đề “thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của các đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là công tác quản lý, sử dụng lái xe. Tăng cường kiểm tra, trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe để kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý vận tải và các đơn vị có liên quan kiểm tra các điều kiện hoạt động của phương tiện, lái xe ngay tại bến xe khách; kiểm tra việc thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông áp dụng tại các bến xe. Tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông và Công an các địa phương triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông… 
- Quy trình đảm bảo an toàn giao thông phải thực hiện theo trình tự và nội dung như thế nào, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Văn Hòa: Quy trình đảm bảo an toàn giao thông phải đảm bảo theo trình tự các bước và nội dung tối thiểu như sau:
Trước khi giao nhiệm vụ vận chuyển mới cho người lái xe, Bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông tại các doanh nghiệp vận tải phải thực hiện các nhiệm vụ: Hàng ngày, tổng hợp, phân tích các dữ liệu về hoạt động của từng phương tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thông qua thiết bị giám sát hành trình và qua các biện pháp quản lý khác để chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm. Tiếp nhận và giải quyết các đề xuất, phản ánh của người lái xe về các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông. Phối hợp với các bộ phận khác của đơn vị để tập hợp các yêu cầu vận chuyển của khách hàng, tìm hiểu và nắm bắt các điều kiện về tuyến đường vận chuyển và các nội dung khác có liên quan đến an toàn giao thông. Bố trí xe và người lái xe thực hiện nhiệm vụ vận chuyển đảm bảo thời gian người lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày, thời gian nghỉ ngơi theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ… 
Trước khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải và người lái xe phải kiểm tra giấy phép người lái xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy chứng nhận đăng ký xe; lệnh vận chuyển đối với hoạt động vận chuyển khách theo tuyến cố định, xe buýt; hợp đồng vận tải đối với hoạt động vận chuyển khách theo hợp đồng, du lịch; giấy vận tải đối với hoạt động vận tải hàng hoá; các giấy tờ khác theo yêu cầu quản lý của đơn vị. Thông báo trực tiếp hoặc qua phần mềm của đơn vị kinh doanh vận tải cho người lái xe các yêu cầu vận chuyển của khách hàng và các nội dung cần lưu ý để đảm bảo an toàn giao thông. Kiểm tra nồng độ cồn, chất ma tuý đối với người lái xe (nếu đơn vị có trang bị thiết bị, dụng cụ kiểm tra). Sau khi được giao nhiệm vụ và trước khi cho xe khởi hành, người lái xe phải thực hiện kiểm tra đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện, như kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe đảm bảo tình trạng hoạt động tốt; kiểm tra hệ thống lái; kiểm tra các bánh xe; kiểm tra hệ thống phanh; hệ thống đèn, còi; thông tin niêm yết trên xe. Trước khi cho xe khởi hành, lái xe phải sử dụng thẻ nhận dạng của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe. Khi xe đang hoạt động trên đường, bộ phận quản lý an toàn giao thông hoặc người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý do đơn vị phân công phải theo dõi quá trình hoạt động của phương tiện và người lái xe trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ qua thiết bị giám sát hành trình; thực hiện nhắc nhở ngay đối với người lái xe khi phát hiện xe chạy quá tốc độ, quá thời gian lái xe liên tục, quá thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, thiết bị giám sát hành trình không có tín hiệu và các nguy cơ gây mất an toàn giao thông khác; tiếp nhận và đưa ra phương án xử lý khi xảy ra các sự cố gây mất an toàn giao thông. 
Khi người lái xe kết thúc nhiệm vụ được giao hoặc kết thúc ca làm việc, bộ phận quản lý an toàn giao thông phải thống kê quãng đường phương tiện đã thực hiện làm căn cứ lập kế hoạch và thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện đảm bảo theo đúng chu kỳ bảo dưỡng định kỳ; thống kê và theo dõi kết quả bảo dưỡng, sửa chữa của từng phương tiện; thống kê các lỗi vi phạm về tốc độ xe chạy, vi phạm về thời gian người lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình bị gián đoạn; báo cáo lãnh đạo đơn vị xử lý theo quy chế; tổng hợp các sự cố mất an toàn giao thông trong quá trình xe hoạt động kinh doanh vận tải trên đường. Người lái xe phải sử dụng thẻ nhận dạng của mình để đăng xuất thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe; sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe…
- Còn đối với Bến xe khách thì phải xây dựng và thực hiện đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông như thế nào, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Văn Hòa: Đối với Bến xe khách thì phải xây dựng và thực hiện đầy đủ quy trình đảm bảo an toàn giao thông như sau:
Khi xe vào bến, nhân viên bến xe và người lái xe phải kiểm tra, xác định phương tiện đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động vận tải tại bến và xác nhận xe đến bến (áp dụng đối với bến xe khách). Hướng dẫn người lái xe đưa xe vào đúng vị trí trả khách, trả hàng; cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý bến xe theo quy định. Hướng dẫn người lái xe đưa xe vào đúng vị trí dừng đỗ theo quy định tại bến. 
Khi xe vào vị trí đón khách, trước khi cho phép xe vào vị trí đón khách, xếp hàng, nhân viên bến xe phải thực hiện kiểm tra và ghi chép vào sổ theo dõi xe ra, vào bến hoặc cập nhật vào phần mềm quản lý bến xe các nội dung sau: Kiểm tra xe ô tô gồm: giấy đăng ký xe; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực; phù hiệu dán trên kính xe còn hiệu lực và theo đúng quy định; có dữ liệu vị trí của xe tại bến xe trên hệ thống Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera có hoạt động; bình chữa cháy; dụng cụ thoát hiểm. Kiểm tra người lái xe ô tô gồm: số lượng người lái xe kèm giấy phép người lái xe; thẻ tên, đồng phục; lệnh vận chuyển hoặc giấy vận tải. Kiểm tra nội dung đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải đã đăng ký với cơ quan quản lý tuyến, việc niêm yết giá vé; việc niêm yết các thông tin trên xe đảm bảo đầy đủ và theo đúng quy định. Kiểm tra thông tin về biển số đăng ký xe, người lái xe phải đúng thông tin ghi trên lệnh vận chuyển, trên hợp đồng vận chuyển hoặc giấy vận tải theo quy định; kiểm tra người lái xe đảm bảo không sử dụng rượu bia, chất ma túy (trường hợp đơn vị có thiết bị, dụng cụ kiểm tra)…
Sau khi nhân viên bến xe hoàn thành việc kiểm tra các nội dung theo quy định nêu trên, trường hợp tất cả các nội dung kiểm tra đều đạt yêu cầu, nhân viên bến xe hướng dẫn người lái xe cho xe vào vị trí đón khách.
Bến xe khách thực hiện việc bán vé cho hành khách đi xe, nếu đơn vị vận tải ủy thác cho bến xe khách bán vé; giám sát quá trình xếp khách và hành lý lên xe trong khu vực bến để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống trên xe khách; đảm bảo việc xếp hàng hóa ký gửi trên xe được thực hiện đúng quy định và không xếp hàng hóa ký gửi trên khoang hành khách; đảm bảo trên xe không xếp quá số lượng người được phép chở; hành khách đi xe đều phải có vé và được sắp xếp đúng chỗ theo số ghi trên vé. Giám sát hoạt động của xe ô tô và người lái xe trong khu vực bến xe, thực hiện các công việc giải quyết cho xe xuất bến và cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý bến xe khi xe xuất bến…
- Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: NL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây