Thông tư 29 quy định về đường ngang (không bao gồm đường sắt và đường bộ trên cầu chung; nơi đường sắt giao nhau với đường bộ chuyên dùng phục vụ tác nghiệp của ga, cảng, bãi hàng, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp); giao thông tại khu vực đường ngang; việc cấp, gia hạn giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bãi bỏ đường ngang trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng; việc cấp, gia hạn giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bãi bỏ, quản lý, sử dụng, bảo trì đường ngang; hoạt động giao thông tại khu vực đường ngang; xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
Đại diện Cục Đường sắt VN cho biết, Thông tư 29 được ban hành thay thế Thông tư số 25/2018 và Thông tư số 07/2022 của Bộ GTVT quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt, nhằm phù hợp với các văn bản, quy phạm pháp luật mới cũng như các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đường sắt về kĩ thuật, phân cấp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATGT tại đường ngang.
Theo đó, đối với đường ngang khi xây dựng mới, Thông tư 29 quy định, đường ngang phải đặt trên đoạn đường sắt có bình diện là đường thẳng. Trường hợp đặc biệt khó khăn mà phải đặt trên đoạn đường sắt cong, chỉ được đặt trên đoạn đường sắt cong tròn có bán kính tối thiểu 300m, không được đặt trên đoạn hoãn hòa.
Khoảng cách giữa hai đường ngang ngoài đô thị không được nhỏ hơn 1.000m; trong đô thị không được nhỏ hơn 500m, trừ trường hợp đường bộ hiện hữu là đường tỉnh, đường huyện giao cắt với đường sắt.
Đường ngang phải nằm ngoài cột tín hiệu vào ga; vị trí gần nhất của đường ngang phải cách cột tín hiệu vào ga tối thiểu 3,5m.
Góc giao giữa đường sắt và đường bộ là góc vuông (90°); trường hợp địa hình khó khăn, góc giao không được nhỏ hơn 45 độ và phải bảo đảm tầm nhìn theo quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.
Trường hợp đường ngang khi xây dựng mới chưa phù hợp điều kiện quy định, khi đề nghị chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang, chủ đầu tư dự án phải làm rõ về điều kiện mặt bằng, nguồn lực tài chính, bảo đảm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang, quyết định bãi bỏ đường ngang; Thông tư 29 quy định Cục Đường sắt VN cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang trên đường sắt quốc gia; quyết định bãi bỏ đường ngang trên đường sắt quốc gia.
Cục Đường bộ VN cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường ngang trên đường sắt chuyên dùng liên quan đến quốc lộ; quyết định bãi bỏ đường ngang trên đường sắt chuyên dùng liên quan đến quốc lộ.
Về thẩm quyền của địa phương, Thông tư 25/2018 quy định là sở GTVT tỉnh, nay Thông tư 29 quy định là cơ quan theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền: Cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp, quyết định bãi bỏ đường ngang trên đường sắt chuyên dùng liên quan đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường bộ đô thị và đường bộ chuyên dùng trong phạm vi quản lý.