Trong năm 2022, việc tổ chức thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bình Định có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc kịp thời, chủ động của các ngành, các địa phương, huy động hiệu quả các nguồn lực và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân; cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư, đời sống xã hội nông thôn ổn định. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 87/113 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 77%; có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022 của UBND tỉnh cho cán bộ xã Phước Sơn.
Năm 2023, tỉnh ta phấn đấu có thêm 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn; xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh và xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân), 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn; các xã Nhơn Khánh và xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn; xã Cát Trinh, huyện Phù Cát; xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước và xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn), 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) và 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (các huyện Phù Mỹ, Tây Sơn).
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quán triển chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tiếp tục xây dựng nông thôn mới “toàn diện, nâng cao và bền vững” với phương châm “xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”; xác định xây dựng nông thôn mới không chỉ là nhiệm vụ của cấp uỷ, chính quyền mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, tổ chức phong trào thi đua hướng vào việc triển khai thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, các nguồn lực tại địa phương phục vụ cho xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, hầu hết các địa phương đăng ký xây dựng nông thôn mới năm 2023 đã hoàn thành hơn 50% các tiêu chí theo quy định. Trong đó, đối với các xã phấn đấu xây dựng nông thôn mới: Xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn đạt 12/19 tiêu chí; xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh đạt 15/19 tiêu chí; xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân đạt 14/19 tiêu chí. Đối với các xã thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn đạt 12/19 tiêu chí; xã Nhơn Khánh, thị xã An Nhơn đạt 11/19 tiêu chí; xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn đạt 07/19 tiêu chí; xã Cát Trinh, huyện Phù Cát đạt 13/19 tiêu chí; xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước đạt 13/19 tiêu chí; xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn đạt 12/19 tiêu chí. Đối với huyện thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới: Huyện Phù Mỹ đạt 03/9 tiêu chí; Huyện Tây Sơn đạt 05/9 tiêu chí.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các tiêu chí tại các địa phương còn gặp một số khó khăn, bất cập, đòi hỏi quyết tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân trên địa bàn, chủ yếu về thực hiện các tiêu chí về giao thông, quy hoạch, cơ sở hạ tầng thương mại, thu nhập, văn hóa,... đặc biệt là tiêu chí về môi trường, nguyên nhân chủ yếu do hầu hết các xã chưa bảo đảm từng nội dung theo quy định của tiêu chí môi trường; trong đó tập trung các nội dung, như: Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt và chất thải không nguy hại; tỷ lệ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom; phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình thực hiện hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức; tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung tại một số xã còn chưa đạt yêu cầu, một số xã chưa có nước sạch hoặc công trình cấp nước sạch.
Nhằm quyết tâm thực hiện hoàn thành thắng lợi Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023, trong thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành có liên quan chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai hướng dẫn thực hiện các tiêu chí theo lĩnh vực quản lý; nhất là các nội dung, tiêu chí chưa đạt chuẩn và hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo tiến độ. Ưu tiên lồng ghép nguồn vốn của ngành để triển khai thực hiện hoàn thành các tiêu chí của ngành phụ trách. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới tại các địa phương để tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện nông thôn mới năm 2023 chi tiết, cụ thể theo từng xã, từng nội dung tiêu chí, nguồn lực triển khai thực hiện; xây dựng lộ trình, tiến độ thời gian thực hiện, phân công nhiệm vụ thực hiện cụ thể cho từng cấp, từng ngành. Thường xuyên kiểm tra chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát các tiêu chí xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn trước đáp ứng các tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia vào công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; quan tâm thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong quá trình thực hiện Chương trình, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tác giả bài viết: theo binhdinh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc