Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nội dung của Nghị định 68/2024/NĐ-CP như sau:
1. Một số khái niệm
- Thay đổi tên gọi: “Chữ ký số chuyên dùng Chính phủ” bằng “Chữ ký số chuyên dùng công vụ”
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ là Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin trực thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ
- Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp là cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng trực tiếp quản lý thuê bao sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
- Thiết bị lưu khóa bí mật là thiết bị vật lý chuyên dụng chứa khóa bí mật của thuê bao.
- PKI Token là thiết bị lưu khóa bí mật và chứng thư chữ ký số của từng thuê bao.
- SIM PKI là thiết bị thẻ SIM điện thoại có chức năng lưu khóa bí mật của thuê bao phục vụ ký số thông điệp dữ liệu trên thiết bị di động
- Yêu cầu chứng thực là các yêu cầu cấp mới, gia hạn, thay đổi nội dung thông tin, thu hồi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ và khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật.
2. Gửi, nhận văn bản yêu cầu chứng thực, thiết bị lưu khóa bí mật
- Gửi, nhận văn bản yêu cầu chứng thực giữa cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ được thực hiện bằng văn bản điện tử đã ký số theo quy định của pháp luật về công tác văn thư qua Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý yêu cầu chứng thực (https://dichvucong.ca.gov.vn) hoặc Trục liên thông văn bản quốc gia.
Như vậy các yêu cầu chứng thực sẽ không còn phương thức thực hiện bằng hình thức gửi văn bản giấy qua đường bưu chính kể từ khi Nghị định 68/2024/NĐ-CP có hiệu lực. Do đó, đối với các cơ quan, tổ chức chưa từng đăng ký chứng thư số, cần thực hiện đăng ký tài khoản trên hệ thống dichvucong.ca.gov.vn hoặc đề nghị cơ quan chủ quản cấp trên đăng ký và cấp phát trong lần đầu tiên.
- Gửi, nhận thiết bị lưu khóa bí mật được thực hiện bằng phương thức trực tiếp hoặc thông qua Tổ chức cơ yếu hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của pháp luật.
3. Quy trình, hồ sơ đề nghị cấp mới chứng thư số
Bước 1: Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có văn bản đề nghị cấp mới chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ theo các mẫu tại Phụ lục kèm theo Nghị định 68/2024/NĐ-CP
- Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ cho cá nhân theo Mẫu số 01
- Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ cho cơ quan, tổ chức theo Mẫu số 02
- Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ cho thiết bị, dịch vụ, phần mềm theo Mẫu số 03
Bước 2: Gửi yêu cầu chứng thực đến Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin
Bước 3: Khi nhận được thiết bị lưu khóa bí mật, cơ quan quản lý trực tiếp tiến hành bàn giao thiết bị cho thuê bao; đồng thời gửi thông báo theo Mẫu số 07 tại Phụ lục kèm theo Nghị định 68/2024/NĐ-CP đến Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin để phục vụ công tác quản lý.
4. Quy trình, hồ sơ đề nghị gia hạn, thay đổi thông tin chứng thư số
* Điều kiện: Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ khi đề nghị gia hạn, thay đổi thông tin phải đảm bảo còn thời hạn sử dụng ít nhất 30 ngày và chỉ được đề nghị gia hạn 01 lần; việc thay đổi thông tin không làm thay đổi thời hạn sử dụng của chứng thư số.
Bước 1: Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có văn bản đề nghị gia hạn, thay đổi thông tin chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ theo Mẫu số 04 tại Phụ lục kèm theo Nghị định 68/2024/NĐ-CP.
Bước 2: Gửi yêu cầu chứng thực đến Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin.
Bước 3: Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu chứng thực hợp lệ, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin sẽ thực hiện yêu cầu và thông báo cho cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp biết (qua email, tin nhắn SMS).
5. Quy trình, hồ sơ đề nghị thu hồi thông tin chứng thư số
* Các trường hợp đề nghị thu hồi chứng thư số: (1) Tự động thu hồi khi hết hạn (2) Cá nhân nghỉ hưu, thôi việc, chuyển cơ quan khác, từ trần; (2) Cơ quan, đơn vị giải thể, chia tách, sáp nhập; (3) Thiết bị lưu khóa bí mật (USB) bị thất lạc, hư hỏng; (4) Mật khẩu bị lộ hoặc trường hợp mất an toàn khác.
Bước 1: Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có văn bản đề nghị thu hồi chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ theo Mẫu số 05 tại Phụ lục kèm theo Nghị định 68/2024/NĐ-CP. Trường hợp thiết bị lưu khóa bí mật bị thất lạc, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp phải lập biên bản xác nhận theo Mẫu số 09 gửi kèm theo hồ sơ đề nghị thu hồi.
Bước 2: Gửi yêu cầu chứng thực đến Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin.
Bước 3: Sau khi Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin làm mất hiệu lực của chứng thư chữ ký số, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có trách nhiệm thu hồi thiết bị lưu khóa bí mật của thuê bao, lập biên bản theo Mẫu 08 bàn giao cho Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin.
6. Quy trình, hồ sơ đề nghị khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật (mở khóa/lấy lại mật khẩu)
Bước 1: Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có văn bản đề nghị khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật theo Mẫu số 06 tại Phụ lục kèm theo Nghị định 68/2024/NĐ-CP
Bước 2: Gửi yêu cầu chứng thực đến Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin.
Bước 3: Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin sẽ liên hệ (qua điện thoại) với “Người phối hợp thực hiện khôi phục” do cơ quan cung cấp để hướng dẫn thực hiện mở khóa từ xa.
7. Ngoài các nội dung cơ bản nêu trên, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu Nghị định 68/2024/NĐ-CP, chỉ đạo áp dụng triển khai tới các phòng, đơn vị, địa phương trực thuộc khi Nghị định có hiệu lực, đảm bảo thuận lợi trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành, quá trình ký số được liên tục, thông suốt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Các cơ quan, đơn vị tải biểu mẫu tại đây.
Sang Nguyễn