(STTTT Bình Định)-Đây là Đề án Giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 do UBND tỉnh Bình Định ban hành kèm theo Quyết định số 955/QĐ-UBND ngày 28/3/2016. Mục tiêu chung của Đề án là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn. Phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn, góp phần làm cho cảnh quan, môi trường đô thị sạch đẹp, môi trường du lịch văn minh thân thiện và đảm bảo an ninh trật tự.
Ảnh minh họa.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức triển khai thực hiện các nọi dung của Đề án trên phạm vi toàn tỉnh. Đề án sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo xã hội cân đối hàng năm; lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan; huy động sự đóng góp của các đơn vị, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Sau 05 năm, từ 2010 – 2015, công tác thực hiện Đề án giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực, bình quân hàng năm có khoảng 58 đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn bị tập trung. Các địa phương đã chuyển giao cho tỉnh tổng số 289 đối tượng. Giai đoạn 2016 – 2020, tiếp tục thực hiện tốt quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Một số nhóm giải pháp được yêu cầu thực hiện là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức (mục đích, ý nghĩa, tính nhân văn của việc tập trung, trợ giúp đối tượng; có biển cấm đối tượng người lang thang, xin ăn, biển hướng dẫn khách du lịch không cho tiền người xin ăn tại các điểm du lịch, đền chùa, lễ hội…); Tập trung đối tượng lang thang cơ nhỡ, xin ăn; lập hồ sơ thủ tục đưa đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội tạm thời hoặc lâu dài; Thực hiện đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, nhất là số đối tượng từ địa phương khác đến cư trú trên địa bàn; Lồng ghép thực hiện chính sách an sinh xã hội, dạy nghề, tạo việc làm và huy động sự tham gia của cộng đồng trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội; Nâng cấp cơ sở, vật chất, trang thiết bị các cơ sở bảo trợ xã hội; Kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các nội dung của Đề án./.
Minh Tân