Nguy cơ gây tai nạn
Theo các cơ quan chức năng, trong các trường hợp gây tai nạn giao thông, nguyên nhân do người lái xe thiếu tập trung quan sát chiếm tỉ lệ khá cao, trong đó có hành vi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại. Đã có người vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, gây tai nạn.
Trong tháng 4 vừa qua, mạng xã hội lan truyền một đoạn video ghi lại tình huống giao thông khiến nhiều người phẫn nộ, khi một tài xế vừa lái xe tải vừa sử dụng điện thoại, gây va chạm với xe máy cùng chiều.
Vụ việc được xác định xảy ra vào ngày 3/4/2023 trên QL1, đoạn qua địa bàn xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Theo hình ảnh được camera hành trình, chiếc xe tải nhỏ màu trắng khi vừa qua cầu Phù Đổng, tài xế không tập, chiếc xe lấn sang làn đường dành cho xe máy, quệt trúng một xe máy số, sau đó va tiếp vào một xe tay ga khiến người đàn ông điều khiển ngã xuống đường bị thương.
Sau khi gây tai nạn, thay vì dừng xe lại để trợ giúp người bị nạn và giải quyết vụ việc, tài xế xe tải lại dửng dưng nhấn ga bỏ chạy. Đáng nói, khi ô tô gắn camera hành trình vượt lên, hình ảnh ghi lại được cho thấy, tài xế xe tải vẫn đang cầm và sử dụng điện thoại khi lái xe.
Những trường hợp tương tự như trên đã được nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh. Thậm chí, nhiều trường hợp sử dụng điện thoại khi lái xe đã gặp tai nạn.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức cho biết, sử dụng điện thoại khi lái xe được xem là một cách tiết kiệm thời gian đối với những người năng động. Tuy nhiên, khi sử dụng điện thoại đồng thời với điều khiển xe cũng mang lại những rủi ro tiềm ẩn.
Việc bị mất một tay cho việc cầm điện thoại sẽ khiến bạn mất tập trung khi lái xe, đồng thời không thể phản ứng khi gặp những tình huống bất ngờ.
Đối với xe máy, lái bằng một tay không thể chắc chắn và an toàn bằng 2 tay. Hơn nữa tay trái cầm điện thoại sẽ khiến bạn không thể sử dụng hệ thống phanh kết hợp ở xe tay ga. Giật mình trước những tình huống bất ngờ sẽ khiến bạn sử dụng phanh trước mạnh và đột ngột, gây tai nạn là điều khó tránh khỏi.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, lái xe sử dụng điện thoại là hành vi tiềm ẩn rủi ro cao dẫn đến tai nạn. Nghiên cứu cho thấy, tốc độ phản ứng của người lái xe khi sử dụng điện thoại giảm tới 50%. Việc sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung; khả năng điều khiển, kiểm soát tốc độ khi gặp tình huống bất ngờ bị giảm mạnh, không xử lý kịp thời dễ gây tai nạn.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, tình trạng sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông khá phổ biến ở Việt Nam, không ít trường hợp tai nạn giao thông đáng tiếc vì việc sử dụng điện thoại.
Nhiều người suy nghĩ rằng, mình có thể kiểm soát được phương tiện, lái xe an toàn, chỉ cần một tay lái xe và có thể tự điều khiển phương tiện được. Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông cho người lái xe, Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại.
Quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông đường bộ hiện nay, Nghị định 123/2021 được sửa đổi bổ sung từ Nghị định 100/2020 quy định: "Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với người điều khiển xe dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường".
Ngoài ra, nếu điều khiển phương tiện mà sử dụng điện thoại gây tai nạn làm thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất của tội này tối đa lên đến 15 năm tù.
Như vậy có thể thấy việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông có nguy cơ gây tai nạn, thiệt hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe, tài sản. Vì thế, khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông cần chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ, không sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe dưới bất kì hình thức nào. Tài xế hãy dừng hẳn xe để nhận cuộc gọi; tuyệt đối không nhắn tin hay lướt mạng, chat khi tham gia giao thông.
"Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông", luật sư Hướng nêu quan điểm.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức cho rằng, nếu bắt buộc phải sử dụng điện thoại, bạn có thể đeo tai nghe từ trước, và nhận cuộc gọi bằng phím tắt trên tai nghe. Bạn vừa có thể sử dụng điện thoại và vừa rảnh tay điều khiển xe. Còn không, hãy dừng hẳn xe để nhận cuộc gọi hoặc khi bạn có nhu cầu sử dụng điện thoại. Đây là cách an toàn cho cả bạn và những người xung quanh.