Tăng cường kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác đảm bảo an toàn giao thông

Thứ năm - 16/11/2023 09:27 106 0
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực đối với các tổ chức, cá nhân trong công tác đảm bảo an toàn giao thông:
a) Người đứng đầu các Sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chỉ chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý có hiệu quả việc thực thi pháp luật trong công tác đảm bảo an toàn giao thông; xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái trong công tác đảm bảo an toàn giao thông.
b) Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết, Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác đảm bảo an toàn giao thông. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác đảm bảo an toàn giao thông; nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy và UBND tỉnh; phải coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác đảm bảo an toàn giao thông là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài và lấy làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng cơ quan, đơn vị.
c) Chấn chỉnh công tác quản lý tại các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động đăng kiểm, đăng ký phương tiện, cấp, đổi Giấy phép lái xe (GPLX); kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ có kế hoạch luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những vị trí công việc có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực; đồng thời, lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, nhất là đối với các Đội trưởng, Tổ trưởng tổ kiểm tra,…
2. Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý:
a) Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông; bảo đảm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết đối với hoạt động đăng kiểm, đăng ký phương tiện, cấp, đổi GPLX.
b) Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định; thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định về công tác phòng, chống tham nhũng.
c) Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, Camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực để theo dõi, giám sát thường xuyên. Từng bước hình thành phương thức quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới người dân, doanh nghiệp
3. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tiêu cực, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng chống tiêu cực:
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi pháp luật trong công tác đảm bảo an toàn giao thông. Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ.
b) Tăng cường phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan báo chí và nhân dân tham gia giám sát trong việc phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đảm đảm bảo an toàn giao thông.

Tác giả bài viết: Kim Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây