Sở Thông tin và Truyền Thônghttps://stttt.binhdinh.gov.vn/uploads/logo.png
Chủ nhật - 27/10/2024 11:54120
Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất tăng chế tài xử phạt đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi hoặc không đủ điều kiện điều khiển phương tiện nhằm tạo sự răn đe, ngăn tai nạn.
Vô tư giao xe cho con trẻ
Sáng 24/10, các tổ công tác đặc biệt của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội tiếp tục ra quân tuyên truyền, xử lý tình trạng phụ huynh và học sinh vi phạm trật tự ATGT.
Trong 3 tuần, lực lượng chức năng toàn thành phố đã xử lý 6.037 trường hợp vi phạm giao thông thuộc nhóm lứa tuổi học sinh và xử phạt 338 phụ huynh về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện cầm lái.
Tại Nam Định, từ ngày 1-15/10, lực lượng CSGT tỉnh này cũng phát hiện 422 trường hợp học sinh vi phạm giao thông. Trong đó, phát hiện 42 trường hợp giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện; 90 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy.
Thực hiện cao điểm của Cục CSGT, nhiều địa phương trên toàn quốc cũng đã ra quân triển khai quyết liệt, xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó có hành vi trên.
Việc cha mẹ giao xe cho con khi trẻ chưa đủ điều kiện gây ra những hậu quả rất đáng tiếc, khi có nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Mới đây, Công an huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) đã khởi tố bị can đối với Hoàng Thị T.M (SN 1981, trú tại thôn Bẻ Chỏi, xã Lâm Thượng). Tháng 5/2024, bà M giao xe mô tô cho con trai là Sầm Anh T (SN 2006) điều khiển. T sau đó đã gây tai nạn làm một người đi bộ bị thương nặng.
Trước đó, Tòa án nhân dân huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Y (35 tuổi, trú Hà Tĩnh) 12 tháng tù treo cũng về hành vi trên. Bà Y đã giao xe máy cho con là N.M.T (SN 2009) điều khiển trên đường liên huyện, gây tai nạn khiến một cụ bà bị thương rất nặng. Vì sao vi phạm phổ biến?
Luật sư Hoàng Tùng (Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa) cho biết, theo quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô. Vì vậy, hành vi giao hay để trẻ chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện là vi phạm pháp luật.
Dù trực tiếp học sinh, thanh thiếu niên là người có hành vi điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe gây ra tai nạn, song nếu người lớn không mua xe, không tạo điều kiện cho các cháu điều khiển tham gia giao thông, chắc chắn các cháu không thể có xe sử dụng.
Trung tá Tôn Văn An, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Bắc Giang
Nghị định 100 năm 2019 quy định, người nào giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 - 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô. Nếu người được giao xe gây tai nạn, chủ xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư, hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển là hành vi nguy hiểm cho xã hội song hình phạt hiện tương đối nhẹ, chủ yếu là phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ nên chưa thực sự đủ răn đe.
Thượng tá Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, do mức phạt còn thấp nên nhiều gia đình vẫn làm ngơ, thậm chí tiếp tay cho con cái vi phạm.
PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu, trường Đại học GTVT phân tích, nguyên nhân cha mẹ giao xe cho con là do họ cảm thấy hữu ích, dễ sử dụng hoặc đơn giản chỉ để chiều theo ý muốn của con. Nhiều cha mẹ còn cho rằng, việc đi xe máy khi chưa đủ tuổi ngày càng phổ biến trong xã hội trong khi sự kiểm soát từ lực lượng chức năng còn lỏng lẻo. Tăng chế tài xử phạt
Trung tá Tôn Văn An, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Bắc Giang cho rằng, để ngăn tai nạn liên quan đến hành vi trên, cần xử nghiêm việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, ngay cả khi chưa gây ra hậu quả.
Mặt khác, theo Thượng tá Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình, cần phải tăng chế tài xử phạt để đảm bảo tính răn đe, nâng cao ý thức chấp hành của phụ huynh, học sinh.
Tìm hiểu của PV, Bộ Công an vừa có dự thảo mới nhất quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Theo đó, dự thảo đề xuất tăng mức phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (đối với cá nhân), từ 4 - 6 triệu đồng (đối với tổ chức) là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự đối với hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.
Cục CSGT cho biết, hiện nay, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, có nguyên nhân do lỗi chủ quan của người lái xe; tai nạn liên quan đến độ tuổi học sinh còn xảy ra.
Do đó, nhằm lập lại trật tự, kiềm chế tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, nâng cao ý thức, đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài phải mạnh để xử lý tương xứng với các hành vi vi phạm.
Tác giả bài viết: Theo https://atgt.baogiaothong.vn/