Sở Thông tin và Truyền Thônghttps://stttt.binhdinh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ tư - 13/09/2023 11:172480
Tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông thông qua công tác xét xử các bản án, quyết định của tòa án và vụ việc liên quan đến hành vi vi phạm giao thông được Tòa án nhân dân các cấp xét xử.
Sáng 9/12 Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Chương trình Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”, thu hút hơn 300 học sinh, sinh viên và người lao động tham gia. Với mục tiêu đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Chương trình tập trung phổ biến, tuyên truyền thông qua công tác xét xử các bản án, quyết định của tòa án và vụ việc liên quan đến hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông được Tòa án nhân dân các cấp xét xử. Theo Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Biên Thùy, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các cấp, ban, ngành thực hiện. Chỉ thị số 23-CT/TTW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới đã cụ thể hóa các giải pháp, trong đó có hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án, trong đó có hoạt động tuyên truyền về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân. Thẩm phán Nguyễn Biên Thùy cho biết, thực tế trong các vụ án xét xử vi phạm quy định về giao thông đường bộ, nguyên nhân phần lớn xuất phát từ lỗi chủ quan của các bị cáo. Mỗi phiên tòa là một bài học đắt giá, lời cảnh tỉnh cho cả người vi phạm và những người tham gia giao thông. Đây là nguồn tư liệu, tài liệu quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có tác động rất mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông. Thông qua các vụ án, bản án, các cơ quan truyền thông đã chủ động xây dựng nhiều tuyến bài, chuyên đề, tổ chức biên tập, sản xuất hàng nghìn tin bài, phóng sự báo chí, phóng sự truyền hình đem lại hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ, thu hút người dân quan tâm, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông. Diễn biến quá trình giải quyết, xét xử một vụ án được tái hiện sinh động bằng các ngôn ngữ báo chí, các thủ pháp nghệ thuật truyền hình, có ý nghĩa thiết thực và dễ dàng đi vào đời sống nhân dân. Từ các nội dung tuyên truyền, người dân có thể hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; hiểu được nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm. Ông Nguyễn Biên Thùy cũng cho biết, bên cạnh việc tổ chức biên tập, xuất bản các tác phẩm báo chí từ những vụ án, bản án có hiệu lực pháp luật có hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ, thời gian qua, nhiều địa phương đã lựa chọn hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các “Phiên tòa giả định”. Các phiên tòa được xây dựng từ tình tiết của các vụ án có thật, gắn với đặc điểm tâm lý đối tượng, lứa tuổi, cách làm này đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. “Phiên tòa giả định là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế. Cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, việc tuyên truyền qua hình thức phiên tòa giả định đã tạo chuyển biến mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, thông qua đó, cảnh tỉnh người dân về hậu quả của các hình vi vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng trật tự an toàn xã hội, tăng cường sự ổn định về mọi mặt”, Thẩm phán Nguyễn Biên Thùy khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, Bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” là sự kết hợp hài hòa giữa các thủ pháp nghệ thuật hình ảnh truyền hình và tương tác thực tế. Khi đưa Bộ tài liệu này vào ứng dụng, các đơn vị sẽ thực hiện Chương trình “Phiên tòa giả định” một cách đơn giản và hiệu quả, tiết kiệm được nhiều kinh phí, công sức, không gian thời gian, có thể tổ chức trực tuyến hoặc offline. Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, tài liệu của chương trình là rất quý, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử sẽ góp phần hoàn thiện việc đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia mong muốn bộ tài liệu được hoàn thiện, gửi đến các địa phương, trường học, thiết kế các nội dung lồng ghép vào chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh. Chương trình Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” đã tái hiện các vụ án được Tòa án nhân dân các cấp xét xử với những tình huống liên quan đến hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà người dân thường gặp phải, thông qua các video clip tình huống thể hiện rõ nét hành vi vi phạm, đồng thời làm nổi bật diễn biến của các phiên tòa xét xử.
Các học sinh, sinh viên, người lao động tham gia Chương trình đã cùng tương tác thông qua bộ câu hỏi và nghe các chuyên gia giải đáp về tình huống giao thông, phiên tòa giả định./.