Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: Xác định rõ 6 nhóm giải pháp trọng tâm về về bảo đảm TTATGT

Thứ năm - 06/07/2023 14:37 681 0
Chỉ thị số 23-CT/TW được ban hành trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI và tình hình thực tiễn công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) hiện nay.

 
Kiểm tra một phương tiện lưu thông trên đường
Kiểm tra một phương tiện lưu thông trên đường
Kết quả quan trọng đạt được của Chỉ thị số 18-CT/TW 
Tại Chỉ thị số 23, Ban Bí thư thống nhất đánh giá: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm TTATGT; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chuyển biến tích cực hơn.
Công tác quản lý nhà nước được tăng cường; kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư; các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn; tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Văn hóa giao thông chưa được hình thành rõ nét. Việc bảo đảm TTATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng. Một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; tai nạn giao thông giảm chưa bền vững. Việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn, tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và cả nước.
Nguyên nhân của tình trạng trên do một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chưa quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm TTATGT; đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông và công tác bảo đảm TTATGT chưa tương xứng với yêu cầu phát triển; công tác quản lý nhà nước về TTATGT có mặt còn hạn chế; ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa tốt.
Chỉ thị số 23 kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm chỉ đạo của Đảng
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 4 mục tiêu, yêu cầu và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được nêu rất cụ thể tại Chỉ thị số 23-CT/TW.
Chỉ thị số 23 là sự kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong các giai đoạn trước đây cho phù hợp với tình hình mới; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về bảo đảm TTATGT trong cả 5 lĩnh vực giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải và hàng không, trong khi Chỉ thị 18 ban hành năm 2012 chỉ giới hạn trong 3 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa.
Chỉ thị số 23 đặt mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững và  hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường.
Đồng thời, Chỉ thị số 23 xác định 4 yêu cầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đó là: 
1. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm TTATGT.
2. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác bảo đảm TTATGT.
3. Hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phân định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nâng cao đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý nhà nước về TTATGT.
4. Huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong bảo đảm TTATGT.
z5004002807770 5196445fbade673715c463fa60831d40
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện xe tập lái
Sáu nhóm giải pháp trọng tâm
Để đạt được những mục tiêu và yêu cầu nêu trên, Chỉ thị số 23-CT/TW xác định rõ 6 nhóm giải pháp trọng tâm, cụ thể đó là:
1. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp quá trình xử lý các hành vi vi phạm
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT.
Theo đó, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương tới cơ sở phải quán triệt và cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả xử lý đối với tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giao thông, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quyền hạn được giao; đẩy mạnh hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội, cơ quan báo chí và người dân trong lĩnh vực giao thông
Siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT với người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông; nâng cao chất lượng công tác điều tra tai nạn, xác định rõ nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông để có giải pháp phòng ngừa.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm TTATGT. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng. 2. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông, trong đó cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và phát triển con người; trước hết cần thực hiện trong xây dựng Luật Giao thông đường bộ và Luật TTATGT đường bộ .
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương, giữa trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân trong công tác bảo đảm TTATGT, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng.
Thể chế hoá các cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng và bảo đảm TTATGT; phải đánh giá tác động về trật tự, an toàn giao thông đối với các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn, coi đây là giải pháp rất hiệu quả để phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ gây mất TTATGT trong quá trình quy hoạch, đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, nhất là tại các đô thị lớn.
3. Tổ chức Cuộc vận động "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông an toàn"
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT.
Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách, quy định pháp luật về TTATGT sao cho  phù hợp, hấp dẫn với từng nhóm đối tượng, lấy thay đổi hành vi là tiêu chí đánh giá hiệu quả truyền thông.
Đổi mới nội dung chương trình giáo dục pháp luật về giao thông trong trường học; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa gia đình - nhà trường -  cơ quan chức năng - đoàn thể trong giáo dục an toàn giao thông và xây dựng văn hoá giao thông an toàn chuẩn mực cho thanh thiếu nhi;
Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổ chức Cuộc vận động "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông an toàn",  mỗi cá nhân chủ động, tự giác chấp hành pháp luật, ủng hộ, cổ vũ những tấm gương về bảo đảm TTATGT.
Đồng thời phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền vận động với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về TTATGT; kịp thời khen thưởng với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo đảm TTATGT.
4. Kết nối hài hoà các phương thức giao thông để giảm áp lực cho đường bộ
Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông.
Theo đó, cần hoàn chỉnh quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ, liên thông, kết nối một cách hài hoà các phương thức giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không để giảm áp lực cho đường bộ; lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm TTATGT trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến giao thông vận tải.
Tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn trong nước, quốc tế để đầu tư phát triển, nâng cấp, duy tu, sửa chữa bảo đảm năng lực và điều kiện an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhất là mạng lưới quốc lộ; đẩy nhanh tiến độ, kiểm soát, bảo đảm chất lượng các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia, các tuyến giao thông huyết mạch, các đầu mối giao thông trọng điểm, các công trình có vai trò kết nối liên vùng, kết nối cảng sông, cảng biển, sân bay...
Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh chuyển đối số trong lĩnh vực giao thông; xây dựng hệ cơ sở dữ liệu, đảm bảo kết nối, chia sẻ, sử dụng chung dữ liệu về giao thông để cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa trung tâm giám sát, điều hành giao thông, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải.
z5004002832267 1f4242a2cd54a18d421417ee60540961
CSGT kiểm tra phương tiện lưu thông trên đường
5. Ưu tiên đầu tư phát triển và khuyến khích sử dụng vận tải hành khách công cộng
Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT thông qua việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông; bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện và kiến thức kỹ năng của người điều khiển phương tiện;
Nâng cao hiệu quả và siết chặt kỷ cương trong quản lý an toàn giao thông của hoạt động kinh doanh vận tải; ưu tiên đầu tư phát triển và khuyến khích sử dụng vận tải hành khách công cộng, các phương tiện giao thông xanh, sạch an toàn gắn với lộ trình hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; quản lý hành lang an toàn giao thông và xử lý kịp thời các "điểm đen" về tai nạn giao thông.
Quan tâm đầu tư nâng cao năng lực quản lý, điều hành với các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, lực lượng cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông.
Kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đối với các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT từ Trung ương đến địa phương; hoàn thiện mô hình  tổ chức phối hợp liên ngành trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT phù hợp với thực tiễn yêu cầu của công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.
6. Hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tại các đô thị lớn
Khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thông qua phát triển đồng bộ cả công trình giao thông động và giao thông tĩnh, cả trên mặt đất, trên cao và ngầm; tập trung nguồn lực phát triển vận tải công cộng gắn với tổ chức giao thông khoa học, siết chặt kỷ cương trật tự đô thị và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Tuân thủ phương án và kế hoạch thực hiện quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, nhất là lộ trình di dời trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước, các trường đại học cao đẳng, khu công nghiệp... ra ngoài khu vực trung tâm đô thị./.

Tác giả bài viết: NL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây