Ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm TTATGT, trong đó việc bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh là một trong những ưu tiên hàng đầu. Các cấp, ngành đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình TTATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh vẫn diễn ra phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông đối với học sinh.
Tình hình trên đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, xây dựng văn hoá tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xác định công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong tổng thể công tác bảo đảm TTATGT, vừa có tính cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục để bảo vệ và xây dựng thế hệ công dân tương lai có văn hoá giao thông văn minh, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Từng bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát lại các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo đảm TTATGT; xác định rõ các nội dung, biện pháp và trách nhiệm bảo đảm TTATGT trong lứa tuổi học sinh phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn phụ trách. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát lại các chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về TTATGT cho học sinh trong các cấp học, các nhà trường để bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm tương xứng với tính chất quan trọng của việc xây dựng văn hoá giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng bộ quy tắc văn hóa giao thông văn minh như: văn hóa chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, ứng xử khi chứng kiến tai nạn, va chạm giao thông; ứng xử khi tham gia xe buýt, xe khách và các loại hình phương tiện giao thông khác; ứng xử khi bị tai nạn, va chạm giao thông, ùn tắc giao thông... Yêu cầu 100% các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm, kết hợp tuyên truyền, giám sát xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho thế hệ trẻ, từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành giáo dục phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo đảm TTATGT cho học sinh. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, nhà trường, lớp học, từng giáo viên trong bảo đảm TTATGT đối với học sinh, đưa nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ, năm học. Tổ chức ký cam kết thực hiện các quy định về bảo đảm TTATGT với các hình thức phù hợp; kiểm điểm, kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm.
Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường hằng năm phải hoàn thành các chỉ tiêu: 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các trường học được tham gia các hoạt động giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; 100% các trường học xây dựng nội dung giáo dục an toàn giao thông lồng ghép vào các môn học trong chương trình chính khóa; 100% đội ngũ Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn Thanh niên được bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được tham gia các hoạt động gắn công tác vận động quần chúng Nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT với Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các đơn vị, trường học và tại nơi cư trú...
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện tốt chương trình phối hợp với ngành giáo dục về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục; tăng cường phổ biến các kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho phụ huynh trong trường hợp chở trẻ em trên ô tô, mô tô, xe máy và các phương tiện khác; bảo đảm mỗi trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học mỗi học kỳ có ít nhất một buổi tuyên truyền, phổ biến về TTATGT.
Phối hợp với ngành giáo dục hướng dẫn tổ chức cho các nhà trường, cha mẹ học sinh, học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết thi đua chấp hành pháp luật về giao thông. Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh. Chỉ đạo Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với các trường trung học phổ thông; Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với các trường trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh, nhất là tại các bãi để xe trong trường, khu vực cổng trường; phối hợp nhà trường làm việc với phụ huynh và học sinh vi phạm để nhắc nhở, yêu cầu tăng cường quản lý, giáo dục không để học sinh vi phạm và tái phạm; rà soát các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối trật tự công cộng đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa bàn cơ sở.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh; đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa đón con em vi phạm TTATGT tại các tuyến gần khu vực trường học; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh. Từng địa phương căn cứ tình hình thực tiễn, hằng năm phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát chuyên đề này. Đối với các tai nạn giao thông liên quan đến học sinh phải khẩn trương điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; củng cố hồ sơ xử lý các hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện gây tai nạn; xác định cụ thể các nguyên nhân gây tai nạn và kiến nghị giải pháp phòng ngừa. Thường xuyên rà soát không gian mạng, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến cổ xúy cho vi phạm, đua xe, lạng lách, đánh võng và những hành vi khác ảnh hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn của học sinh. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với không gian mạng, kịp thời ngăn chặn, bóc gỡ, xoá bỏ các thông tin tác động tiêu cực đến học sinh, nhất là nội dung thiếu chuẩn mực, cổ xúy cho vi phạm, đua xe, lạng lách, đánh võng; phối hợp với lực lượng công an xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp UBND các địa phương tổ chức tổng rà soát về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông tại các tuyến quốc lộ có trường học trên toàn quốc; trường hợp có bất cập thì ưu tiên xử lý, khắc phục, trong đó làm rõ lộ trình thực hiện, hoàn thành. Tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bảo đảm an toàn. Chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổng rà soát về điều kiện an toàn giao thông và tổ chức giao thông tại các đoạn tuyến quốc lộ qua cổng trường học trên toàn quốc, lập danh mục phân loại những vị trí đường qua trường học mất an toàn, lập kế hoạch khắc phục.
Rà soát, nghiên cứu bổ sung vào tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật các yêu cầu kỹ thuật trong tổ chức giao thông, hạn chế tốc độ, đấu nối của khu vực trường học trên đường bộ. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh; cơ chế, chính sách khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng và xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh; kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đưa đón học sinh theo hình thức hợp đồng.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí, ưu tiên nguồn thu từ tiền xử phạt vi phạm giao thông, đấu giá biển số xe và các nguồn tăng thu khác để tăng cường đầu tư cho các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, nhất là nhiệm vụ bảo đảm TTATGT cho học sinh.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát tổ chức giao thông tại các khu vực trường học, tổ chức lại các điểm bất hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là các trường hợp ngay sát các quốc lộ, tuyến đường nhiều phương tiện đi lại vào các khung thời gian học sinh đến trường, tan học; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực trường học theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, phù hợp với tổ chức giao thông. Trong đó chú trọng đến việc bố trí vỉa hè, đường đi bộ, đường đi xe đạp và bãi trông giữ xe; ưu tiên bố trí hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như biển báo khu vực trường học, đèn tín hiệu sang đường, vạch băng qua đường, gờ giảm tốc, sơn giảm tốc phù hợp theo các khu vực trường học. Khẩn trương khắc phục các "điểm đen" trên các tuyến đường có trường học theo phân cấp quản lý. Tăng cường quản lý chặt chẽ các phương tiện chở khách hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh.
Nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ các nhà trường tổ chức phương tiện đưa đón học sinh an toàn; chỉ đạo cơ quan chuyên môn giao thông vận tải phối hợp, hướng dẫn các nhà trường tổ chức xe đưa, đón học sinh phù hợp lứa tuổi, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; mỗi xe phải bố trí ít nhất một quản lý để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, bảo đảm an toàn trong suốt chuyến đi; lái xe, quản lý học sinh phải được tập huấn để nắm vững, thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh; bố trí điểm dừng đón, trả tại khu vực trường học và các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh bảo đảm an toàn giao thông.
Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 15.12.2022 đến ngày 14.10.2023, cả nước xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người, Tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh đã để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội cả về trước mắt và lâu dài.
Tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh do nhiều nguyên nhân, gồm đi không đúng phần đường, làn đường quy định (chiếm 21,41%); không chú ý quan sát (19,39%); chuyển hướng không đúng quy định (11,77%); tránh, vượt không đúng quy định (7,06%); không nhường đường (4,71%); không giữ khoảng cách an toàn (3,36%); sử dụng rượu bia (2,69%); không chấp hành biển báo đường bộ (3,14%), đi bộ qua đường không đúng quy định (3,14%).
Tại Hội nghị chuyên đề về an toàn giao thông đối với học sinh, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đánh giá: tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay ngày càng phổ biến và có diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe./.