35% đơn vị đạt loại tốt, 59% đơn vị xếp loại khá (đối với các cơ quan chuyên môn của tỉnh) và 45% đối với các huyện, thị xã, thành phố; là kết quả cho thấy sự chuyển biến tích cực đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan nhà nước (CQNN) đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp.
Rút ngắn khoảng cách phục vụ
Theo kết quả xếp hạng được UBND tỉnh ban hành vào đầu tháng 2.2017, có 6 đơn vị được đánh giá đạt loại tốt, chiếm tỉ lệ 35% (năm 2015 là 0%). Về mức khá, khối các cơ quan chuyên môn của tỉnh có 10 đơn vị, chiếm 59% (năm 2015 là 56%); đối với khối huyện, thị xã, thành phố có 5 đơn vị, chiếm 45% (năm 2015 là 9%). Còn lại là tỉ lệ các đơn vị đánh giá ở mức độ trung bình.
Rõ ràng những con số nói trên cho thấy công tác triển khai và ứng dụng CNTT trong hoạt động CQNN của tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện; hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các đơn vị được chú trọng đầu tư.
Năm 2016, Sở Công Thương là 1 trong 6 đơn vị chuyên môn cấp tỉnh được đánh giá đạt loại tốt về ứng dụng CNTT. Ðiểm nổi bật của đơn vị này là đã xây dựng kho dữ liệu dùng chung cho tất cả các đơn vị trực thuộc về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp phục vụ chỉ đạo, điều hành và phối hợp giải quyết công việc kịp thời. Với ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, website của Sở thường xuyên cập nhật, phổ biến, tuyên truyền các chính sách, quy định pháp luật; đồng thời làm chức năng kết nối thị trường, quảng bá doanh nghiệp trong tỉnh... “Với ứng dụng CNTT, ngành Công Thương rút ngắn được khoảng cách phục vụ người dân và doanh nghiệp” - ông Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương, nhấn mạnh.
Một trong những vấn đề trọng tâm, đột phá trong triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước là thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng CNTT, thông qua cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến. Tiến sĩ Võ Gia Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TT-TT, cho biết: “Năm 2016, các hệ thống thông tin của tỉnh đã tiến hành nâng cấp và hoàn thiện như hệ thống văn phòng điện tử kết nối liên thông; hệ thống dịch vụ công trực tuyến triển khai mức độ 3 - 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ðồng thời, bước đầu triển khai áp dụng chữ ký số chuyên dùng vào hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng. Ðó là sự chuyển động cần thiết để chuyển môi trường từ quản lý sang phục vụ”.
Theo Sở TT-TT, trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh hiện có 1.566 dịch vụ công đã được giao dịch trực tuyến trong tổng số 1.948 thủ tục được ghi nhận đến thời điểm này. Trong đó, có 98 dịch vụ công giao dịch trực tuyến mức độ 3 - 4. Khối cơ quan chuyên môn của tỉnh triển khai mạnh mẽ dịch vụ này có thể kể đến các sở: Tài chính, TT-TT, KH-ÐT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh... Còn khối huyện, thị xã, thành phố, dẫn đầu là Quy Nhơn và Tuy Phước.
Ông Võ Tuấn Khanh, Phó Trưởng ban chỉ đạo CNTT huyện Tuy Phước, cho hay, năm 2016, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện đã triển khai thí điểm mô hình “một cửa điện tử”. UBND huyện đã đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ ứng dụng CNTT vào tác nghiệp như: hệ thống mạng LAN, camera quan sát, hệ thống lấy số tự động. Hiện nay, phần mềm một cửa điện tử đang triển khai 7 lĩnh vực, 42 đầu công việc và vận hành thử nghiệm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 5 thủ tục hành chính. Với mô hình này, không chỉ tạo thuận lợi cho CQNN mà còn giúp người dân có thể tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ thông qua trang thông tin điện tử của UBND huyện.
Chú trọng hiệu quả thực tế
Dù tỉ lệ CQNN được đánh giá đạt loại tốt và khá trong ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động quản lý và người dân, doanh nghiệp tăng đáng kể, nhưng ông Võ Gia Nghĩa vẫn cho rằng vấn đề quan trọng nằm ở hiệu quả thực tế giải quyết công việc. Rõ nhất là đến thời điểm này, hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị không đồng đều. Nhiều đơn vị có số lượng giao dịch trực tuyến còn ít, nhất là với dịch vụ ở mức độ 3 - 4, dẫn đến đánh giá “chất lượng” ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc chưa khách quan. Hiệu quả ứng dụng các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh chưa cao. Nhiều địa phương chưa quyết tâm trong ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động.
Ông Võ Gia Nghĩa cũng cho rằng, trên thực tế nhiều dịch vụ triển khai giao dịch mức độ 3 - 4, nhưng gần như không... hoạt động. Trong năm 2017, Sở TT-TT sẽ đẩy mạnh phần mềm một cửa điện tử cho tất cả các địa phương, đơn vị để có cơ chế giám sát, đánh giá về kết quả thực hiện giải quyết công việc. Ðồng thời, tiêu chí đánh giá xếp hạng tình hình ứng dụng CNTT trong các CQNN trên địa bàn tỉnh cũng sẽ thay đổi theo hướng bám sát vào các tiêu chí của Bộ TT-TT và yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh.
“Trọng tâm của đánh giá sẽ xoay quanh trục ứng dụng CNTT phục vụ cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa dịch vụ công một cách thực chất. Muốn vậy, cơ chế giám sát sẽ được đẩy mạnh. Ðặc biệt, từ năm 2017, các doanh nghiệp sẽ tham gia vào đánh giá xếp hạng này. Ðơn vị chủ trì đánh giá cũng thay đổi, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” - ông Võ Gia Nghĩa nhấn mạnh.
Khởi động từ năm 2012 đến nay, đánh giá xếp hạng tình hình ứng dụng CNTT trong các CQNN trên địa bàn tỉnh cho thấy một bức tranh rõ nét hơn về việc nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý điều hành của các CQNN, đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Năm 2016, đánh giá được thực hiện với 28/32 đơn vị, gồm: 17/21 sở, ban, ngành và 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Mức độ đánh giá dựa trên 6 nhóm tiêu chí, gồm: hạ tầng kỹ thuật CNTT; triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ; ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp; công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; cơ chế chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT; nhân lực và đầu tư cho ứng dụng CNTT. |
Theo baobinhdinh.com.vn
Ý kiến bạn đọc