Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải bố trí đủ kinh phí để xây dựng Chính phủ điện tử

Thứ tư - 25/03/2020 11:55 595 0

Ngày 12/2/2020, Hội nghị Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử (CPĐT), chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng xây dựng Chính phủ điện tử là một việc lớn, phải thường xuyên sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đôn đốc, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và phải huy động cả hệ thống vào cuộc thì mới thành công. Xây dựng Chính phủ điện tử thì yếu tố con người, thể chế là đầu tiên, sau đó mới đến công nghệ.

Thủ tướng đánh giá cao kết quả ban đầu đáng khích lệ trong xây dựng Chính phủ điện tử. Ví dụ, theo xếp hạng mới nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Việt Nam đứng thứ 96/180, tăng 21 bậc so với năm ngoái (đứng vị trí 117). Để đạt kết quả này, ngoài việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm thì Chính phủ điện tử đóng góp rất quan trọng bởi giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người làm thủ tục và người giải quyết thủ tục.

 

Theo Thủ tướng, chúng ta đã rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tăng gấp đôi (đạt 10,7%). 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Lần đầu tiên liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh ở cấp xã và thẻ bảo hiểm y tế cấp huyện. Việc tuyên bố các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam làm chủ hệ sinh thái an toàn, an ninh mạng là bước tiến rất quan trọng trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam mới đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về xây dựng Chính phủ điện tử, đứng thứ 6/11 nước ASEAN. Về nguyên nhân, Thủ tướng cho rằng, từ các ý kiến phát biểu, có thể thấy cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ, là khâu yếu, thấp điểm. Một số khâu khác còn làm chậm, chưa đồng bộ, quyết tâm. Nhiều nơi còn tình trạng “án binh bất động”.

Định hướng nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng nêu rõ, tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 17 năm 2019 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, nhất là mục tiêu 30% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hiện nay mới đạt 10,7%.

 

Việc hoàn thiện thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý cho Chính phủ điện tử, Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2020, phải ban hành được các Nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác định xác thực điện tử, về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định thay thế về công tác văn thư. Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân. Năm 2020, chúng ta chuẩn bị các bước để tiến tới sửa luật về giao dịch điện tử và luật về lưu trữ.

 

Phải hoàn thiện các yếu tố nền tảng của Chính phủ điện tử, Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu cần phấn đấu: 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành có Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng.

Bên cạnh đó, xây dựng Chính phủ điện tử phải đi liền với đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ điện tử phải đi liền với cải cách hành chính, phải giúp giảm biên chế, tiết kiệm chi phí.

Về các kiến nghị cụ thể được nêu ra tại Hội nghị, Thủ tướng đồng ý việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chỉ đạo thêm nội dung về thành phố thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số; không thành lập thêm các ban chỉ đạo mới. Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất xây dựng Trung tâm giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử, thực hiện giám sát quốc gia về hạ tầng mạng, an toàn, an ninh mạng và về dịch vụ Chính phủ điện tử của các cơ quan Nhà nước.  

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ đưa nội dung đào tạo Chính phủ điện tử vào các chương trình đào tạo tại Học viện Hành chính Quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương hằng năm dành một tỷ lệ ngân sách của Chính phủ điện tử cho công tác đào tạo.

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, coi đây là mục tiêu kép, vừa giúp phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, vừa có kinh nghiệm để đi ra thế giới.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ TT&TT cần xây dựng nền tảng để mọi người dân, mọi doanh nghiệp có thể thông qua duy nhất một ứng dụng trên thiết bị di động truy cập được mọi dịch vụ Chính phủ điện tử.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây