Tại Việt Nam, công nghệ thông tin phát triển với những thành tựu ấn tượng, trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật đóng góp ngày càng to lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống chính trị nói chung, trong các cơ quan Đảng nói riêng còn không ít khó khăn, hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan Đảng cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo Kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin và truyền thông thống nhất hoàn thành các nội dung công việc đã được xác định.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng, bên cạnh việc giúp nhận thức đúng, đầy đủ về tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong giai đoạn hiện nay ở mỗi cán bộ, Hội nghị tập trung cụ thể hóa, cung cấp kiến thức về thực trạng phát triển, ứng dụng, tác động của công nghệ thông tin cũng như kiến thức cơ bản của người lãnh đạo công nghệ thông tin trong tình hình mới hiện nay, góp phần vào công tác cải cách hành chính trong Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy Đảng, làm tiền đề thuận lợi cho việc tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Tại hội nghị, đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề như: việc lãnh đạo, chỉ đạo quản lý công tác tin học hóa hoạt động của các cơ quan Đảng và giải pháp thực hiện; vấn đề bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động của các ban, cơ quan Đảng hiện nay và một số khuyến nghị; mạng xã hội VCNET, phần mềm họp không giấy Ecabinet…
Đáng chú ý, nêu vấn đề về tác động của mạng xã hội đối với cơ quan Đảng, Nhà nước và ứng xử của cán bộ, đảng viên trên mạng xã hội, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Lâm cho rằng về cơ bản hiện nay, các vụ việc nảy sinh đều được kịp thời quan tâm, chỉ đạo, giải quyết công khai, minh bạch và quyết liệt, không có vùng cấm…
Niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài được cải thiện. Đoàn kết, nhất trí trong hệ thống chính trị đang được nâng lên. Đây là nền tảng quan trọng để hạn chế các phức tạp nảy sinh về kinh tế, an sinh xã hội, tâm tư tình cảm của cán bộ, nhân dân, qua đó hạn chế các cuộc khủng hoảng truyền thông lớn và các khủng hoảng xã hội lớn.
Cũng theo ý kiến của Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm, xử lý khủng hoảng truyền thông không chỉ là giải quyết các vấn đề chỉ từ góc độ truyền thông, mà phải xử lý căn nguyên của khủng hoảng. Việc này cần có giải pháp căn cơ, nhiều thời gian, vì vậy rất cần sự bình tĩnh. Đồng thời, cũng cần có ngay các quy định nội bộ về sử dụng mạng xã hội, về quản trị hình ảnh của các nhân, tổ chức, đặc biệt là trong sinh hoạt đời tư; hạn chế và kiểm soát việc đưa hình ảnh sinh hoạt, ý kiến cá nhân lên mạng xã hội.
“Các ngành, lãnh đạo các ngành, địa phương cần có công cụ, phương thức rà soát lắng nghe thông tin nhiều chiều trên mạng xã hội để phân tích và ứng phó. Bộ Thông tin và Truyền thông có Trung tâm giám sát không gian mạng, có thể hỗ trợ việc này,” Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh./.