Lịch sử ngành Thông tin Truyền thông Việt Nam

Thứ tư - 02/11/2016 12:06 3.313 0

Ngành Thông tin Truyền thông Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, gắn liền với sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Bộ Thông tin và Truyền thông là một Bộ đa ngành, đa lĩnh vực quản lý, gồm: Báo chí, Xuất bản, Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin, Thông tin đối ngoại, Thông tin cơ sở,... nhưng trước đây chưa có ngày truyền thống của cả ngành Thông tin và Truyền thông, mới có ngày truyền thống riêng của một số ngành trực thuộc như Báo chí 21/6, Bưu điện 15/8, Xuất bản 10/10...


Logo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tiền thân của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày nay là các cơ quan mang đậm chất Bưu điện như: Nha Bưu điện (1945), Nha Bưu điện - Vô tuyến điện (1951), Tổng cục Bưu điện (1968), Tổng cục Bưu điện thuộc Bộ Giao thông vận tải (1990), Tổng cục Bưu điện (1992), Bộ Bưu chính - Viễn thông (2002). Và đến tháng 8/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Bưu chính  -  Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin.

Vừa qua, Ban Lịch sử - Truyền thống của Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình lãnh đạo Bộ đề xuất lấy ngày 28/8 là Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông, vì đây là ngày Bác Hồ ký sắc lệnh đầu tiên năm 1945 thành lập các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Thông tin Tuyên truyền và Bộ Giao thông công chính, bao gồm nội hàm của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay.

Ngày 19/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 258/QĐ-TTg, chính thức lấy ngày 28/8 hằng năm là Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc tổ chức Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả và tránh hình thức; giáo dục truyền thống, động viên phong trào thi đua lao động, công tác, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Đồng thời, ngày này là dịp biểu dương, khen thưởng bằng các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng ngành Thông tin và Truyền thông, gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước.

Lịch sử ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, gắn liền với sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Dưới đây là một số dấu mốc lịch sử đáng nhớ của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

I. GIAI ĐOẠN 1945- 1954

1. Lĩnh vực Bưu điện

- Thời kỳ 1930 - 1945: Đảng thành lập và lãnh đạo đội quân giao thông cách mạng làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, công văn, tài liệu, chỉ thị của Đảng tới các cấp ủy và chính quyền địa phương trong cả nước.

- Ngày 14-15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương  ra Nghị quyết thành lập “Ban giao thông chuyên môn”. Từ đó ngày 15/8 được lấy làm Ngày Truyền thống của ngành Bưu điện.

- Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngành Bưu điện phục vụ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để hoàn thành hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc.

- Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Bưu điện Việt Nam đã trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng mạng lưới thông tin liên lạc luôn được giữ vững với ba phương thức thông tin: điện thoại, vô tuyến điện, đường thư. Thời kỳ này tồn tại 2 hệ thống: Giao thông liên lạc của Đảng và hệ thống Bưu điện.

- Ngày 28/6/1947, Bộ Giao thông công chính đã ban hành Nghị định số 335/NĐ tổ chức lại ngành Bưu điện thành 3 Nha Bưu điện trong cả nước.

- Ngày 02/4/1948,  Bộ Giao thông - Công chính ra Nghị định số 33/NĐ về tổ chức bộ máy Bưu điện Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.

- Ngày 12/6/1951, Chính phủ quyết định sáp nhập ngành Vô tuyến điện hành chính vào ngành Bưu điện. Nha Bưu điện đổi thành Nha Bưu điện - Vô tuyến điện Việt Nam.

2. Lĩnh vực Thông tin tuyên truyền

- Ngày 28/8/1945, Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có Bộ Thông tin - Tuyên truyền (Việt Nam Dân quốc Công báo số l ngày 29/9/1945).

- Ngày l/l/1946, Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Bộ Tuyên truyền và Cổ động (Việt Nam Dân Quốc Công báo số l ngày 5/l/1946).

- Ngày 13/5/1946, Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ấn định hệ thống tổ chức thông tin, tuyên truyền trong cả nước có Nha Tổng giám đốc Thông tin, Tuyên truyền, dưới quyền chỉ huy và kiểm soát trực tiếp của Bộ Nội vụ (Việt Nam Dân quốc Công báo ngày 25/5/1946).

- Ngày 27/11/1946, Sắc lệnh số 224/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đổi thành Nha Thông tin (Tổng mục lục luật lệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945-1961, trang 152).

- Ngày 22/2/1947, Nghị định số 265/NgÐ của Bộ Nội vụ, tổ chức Nha Thông tin (Việt Nam Dân quốc Công báo số 8/1947, trang 50).

- Ngày 10/7/1951, Sắc lệnh số 36/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sáp nhập Nha Thông tin thuộc Bộ Nội vụ vào Thủ tướng phủ (Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa số 7 ngày 15/8/1951, trang l08).

- Ngày 24/2/1952, Sắc lệnh số 83/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hợp nhất Nha Thông tin thuộc Thủ tướng phủ và Vụ Văn học, nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ (Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa số 2/1952, trang 10).

- Tháng 8/1954, Thông cáo của Hội đồng Chính phủ họp kỳ trung tuần tháng 8/1954, quyết định lập Bộ Tuyên truyền (Công báo số 9/1954, trang 88).

II. GIAI ĐOẠN 1954- 1975

1. Lĩnh vực Bưu điện

Từ năm 1954 - 1975, ngành Bưu điện đã phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc, phục vụ thông tin cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào và Cămpuchia.

a) Tại miền Bắc

- Ngày 8/3/1955, Nha Bưu điện - Vô tuyến điện Việt Nam được đổi tên thành Tổng cục Bưu điện Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Bưu điện.

- Ngày 13/5/1961, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 63/CP tách Tổng cục Bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông và Bưu điện, đặt thành cơ quan trực thuộc Chính phủ.

- Ngày 09/2/1962, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 12/CP giao thêm nhiệm vụ quản lý các cơ sở kỹ thuật truyền thanh, phát thanh và sự nghiệp phát triển truyền thanh, phát thanh sang cho Tổng cục Bưu điện.

- Ngày 18/2/1962, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra thông báo về việc đổi tên Tổng cục Bưu điện Việt Nam thành Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh Việt Nam.

- Ngày 17/6/1965, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 101/CP thành lập Cục Bưu điện Trung ương thuộc Tổng cục Bưu điện và Truyền thanh.

- Ngày 21/12/ 1967, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 219/TTgCN tách phần phát thanh và truyền thanh ra khỏi Tổng Cục Bưu điện.

- Ngày 21/1/1968, Hội đồng Chính phủ quyết định đổi tên Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh thành Tổng cục Bưu điện.

b) Tại miền Nam

* Bưu điện Nam Trung Bộ:

- Năm 1965 là thời kỳ mạng thông tin vô tuyến điện phát triển đều khắp miền Trung.

- Đầu năm 1975, Khu ủy khu V chủ trương thành lập Ban Bưu điện khu V để thống nhất hai lực lượng giao bưu và thông tin trong toàn khu.

* Bưu điện Nam Bộ:

Do nét đặc thù của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Nam Bộ, Bưu điện Nam Bộ đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương cục miền Nam, được phân ra hai ngành có quan hệ mật thiết với nhau là: “Giao bưu” và “Thông tin vô tuyến” để dễ chỉ đạo và hoạt động.

- Tháng 7/1975, Tổng cục Bưu điện miền Nam được thành lập theo Quyết định số 024/QĐ-75 của Thường vụ Trung ương Cục.

- Ngày 19/8/1975, Đảng đoàn Tổng cục Bưu điện chính thức đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ cho phép ngành Bưu điện được thống nhất quản lý toàn diện theo ngành dọc trong phạm vi cả nước.

2. Lĩnh vực Thông tin tuyên truyền

- Ngày 20/9/1955, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V đã thông qua việc đổi tên Bộ Tuyên truyền thành Bộ Văn hóa (Công báo số 14/1955, trang 192).

- Ngày 11/10/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định phê chuẩn thành lập một cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ lấy tên là Tổng cục Thông tin (Công báo số 14/1965, trang 205).

III. GIAI ĐOẠN 1976 ĐẾN THÁNG 8/2007

1. Lĩnh vực Bưu điện

- Năm 1976, Tổng cục Bưu điện đã tham gia: Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) .

- Ngày 2/11/1979, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định 390/CP xác định: “Ngành Bưu điện là cơ quan thông tin liên lạc của Đảng và chính quyền các cấp, đồng thời là một ngành kinh tế - kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân, hoạt động theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa và chế độ hạch toán kinh tế”.

- Ngày 15/8/1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 121-HĐBT ban hành Điều lệ Bưu chính và Viễn thông.

- Ngày 31/3/1990, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 224/NQ-HĐNN giao cho Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện đảm nhận chức năng quản lý nhà nước đối với ngành Bưu điện.

- Ngày 7/4/1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 115/HĐBT chuyển Tổng cục Bưu điện thành Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, nằm trong Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện.

- Ngày 26/10/1992, Chính phủ ra Nghị định số 03/CP về việc thành lập Tổng cục Bưu điện là cơ quan trực thuộc Chính phủ, có chức năng quản lý nhà nước về bưu chính viễn thông, kỹ thuật truyền dẫn tín hiệu phát thanh truyền hình và công nghiệp bưu điện trong cả nước.

- Ngày 7/5/1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 91/TTg chuyển Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông thành tập đoàn kinh doanh của Nhà nước.

- Năm 1993 - 2000, thực hiện thành công chiến lược tăng tốc và chuyển sang Chiến lược hội nhập và phát triển.

Các giai đoạn 1994 - 1998, 1998 - 2002 và từ năm 2002 đến nay, ngành Bưu điện là thành viên của Hội đồng điều hành Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Từ năm 1999 đến nay là thành viên của Hội đồng điều hành Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), tái cử nhiệm kỳ 2 tại Đại hội lần thứ 23 (15/9 - 5/10/2004).

Năm 1995, khởi động cạnh tranh với việc thành lập Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính - Viễn thông Sài Gòn và Công ty Viễn thông Quân đội.

Ngày 29/4/1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 249/TTg về việc thành lập Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam trực thuộc Chính phủ.

Ngày 11/3/1996, Chính phủ ra Nghị định số 12/CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện.

- Ngày 11/11/2002, Chính phủ ra Nghị định số 90/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính Viễn thông.  Bộ Bưu chính Viễn thông là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia trong phạm vi cả nước.

- Năm 2003, ngành Bưu chính Viễn thông thực sự chuyển từ độc quyền công ty sang cạnh tranh tất cả các loại dịch vụ.

2. Lĩnh vực Thông tin tuyên truyền

- Ngày 13/7/1977, Quyết định số 96 NQ/QHK6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VI phê chuẩn việc hợp nhất Tổng cục Thông tin và Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin (Công báo số 13/1977, trang 153).

- Ngày 24/6/1981, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VII kỳ họp thứ nhất từ ngày 24-6 đến 4-7-1981 đổi tên Bộ Văn hóa và Thông tin là Bộ Văn hóa (Công báo số 19, tháng 10/1981, trang 393).

- Ngày 16/2/1987, Hội đồng Nhà nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định thành lập Bộ Thông tin (Phụ lục Công báo số 2/1987, trang 18).

- Ngày 31/3/1990, Hội đồng Nhà nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định thành lập Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch (Quyết định số 244 NQ/NN).

- Ngày 27/7/1991, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 9 đổi thành Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao

- Ngày 30/9/1992, Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ nhất quyết định đổi thành Bộ Văn hóa - Thông tin.

IV. GIAI ĐOẠN TỪ THÁNG 8/2007 ĐẾN NAY

Tháng 8/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa – Thông tin. Lịch sử ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam lại bước sang một trang mới. Việc thành lập Bộ Thông Tin và Truyền Thông thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông của thế giới.

 

Các lĩnh vực bưu chính, viễn thông – Internet, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản đã tạo động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Lĩnh vực công nghệ thông tin đã có bước phát triển tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong xã hội đang ngày càng phổ biến, những lợi ích đem lại cho xã hội ngày càng lớn. Hoạt động báo chí, xuất bản và phát hành đã có bước chuyển mới theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước.

 

Một số mốc phát triển từ khi thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông đến nay:

- Luật Công nghệ thông tin đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006.

- Từ ngày 1/1/2008, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam chính thức đi vào hoạt động

- Tháng 4/2008, vệ tinh VINASAT1 đã được phóng thành công lên vũ trụ, đánh dấu bước phát triển mới và ghi nhận 15 năm nỗ lực của Ngành trong việc làm chủ không gian viễn thông Việt Nam.

- Ngày 2/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 65/2008/QĐ-TTg về cung ứng dịch vụ Bưu chính công ích, xác định lộ trình phấn đấu của ngành Bưu chính với quyết tâm vươn lên giảm dần bù lỗ, tiến tới cho lãi vào năm 2013.

- Ngày 3/6/2008, Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 3 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản.

- Tháng 10/2008, thành lập Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử; Cục thông tin đối ngoại.

- Ngày 16/1/2009, Chính phủ công bố lộ trình chuyển đổi Công nghệ Phát thanh truyền hình tương tự sang Phát thanh truyền hình số

- Tháng 7/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung hoàn thiện Đề án Chiến lược tăng tốc đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT&TT trước năm 2020.

- Tháng 8/2009, Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới được tổ chức thành công tại Việt Nam.

Dịch vụ thông tin di động thế hệ thứ 3 (3G) chính thức được cung cấp tại Việt Nam.

- Ngày 15/9/2009, Chứng thực chữ ký số đã được triển khai tại Việt Nam.

- Tháng 10/2009, Việt Nam đoạt giải nhì cuộc thi Viết thư bưu chính thế giới lần thứ 38.

- Ngày 23/11/2009, Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện đã được Quốc hội thông qua.

- Ngày 28/6/2010, Luật Bưu chính đã được Quốc hội thông qua.

 

Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển của đất nước, ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã có được tốc độ tăng trưởng cao cả về quy mô, doanh số, thị trường và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường ngày càng tăng, nhất là khi Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện đã mở rộng theo hướng cho phép tất cả các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ và thiết lập hạ tầng mạng viễn thông. Tính đến hết năm 2010, tổng băng thông truyền dẫn trong nước đạt 605,622 Gb/s và tổng băng thông truyền dẫn quốc tế lên tới 487,2 Gb/s với các tuyến cáp quang biển, đất liền sử dụng công nghệ truyền dẫn tiên tiến.

 Mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet trong nước, quốc tế, thông tin hàng hải và truyền báo luôn đảm bảo an toàn thông tin trong hoàn cảnh khó khăn do lũ, lụt, thiên tai. Thông tin liên lạc từ Trung ương đến địa phương luôn được thông suốt, phục vụ tốt các hoạt động, sự kiện lớn của đất nước cũng như công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

 Lĩnh vực CNTT tiếp tục phát triển với năng suất và hiệu quả cao. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế doanh thu xuất khẩu các sản phẩm máy vi tính,sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện điện tử ước đạt 9 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp không ngừng tăng lên, Việt Nam hiện đã có nhiều doanh nghiệp CNTT đạt quy mô trên 1.000 người với tổng số lao động ước tính khoảng 250 ngàn người.

 Lĩnh vực báo chí tiếp tục phát triển về số lượng, chất lượng, hình thức và nội dung. Tính đến nay, toàn quốc có 728 cơ quan báo chí in với hơn 900 ấn phẩm, trong đó các cơ quan Trung ương có 76 báo, 431 tạp chí; địa phương có 103 báo, 118 tạp chí. Mạng lưới PTTH có 67 đài Phát thanh Truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 03 đài phủ sóng toàn quốc, gồm có Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; 64 Đài Phát thanh, Truyền hình địa phương gồm 62 đài Phát thanh, Truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 Toàn ngành Xuất bản vẫn duy trì mức tăng trưởng cả về quy mô sản lượng, chất lượng sản phẩm và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Ngành đã xuất bản được 18.161 cuốn sách, với 194.204.394 bản, đạt 98,2% về số lượng cuốn, 103% về số lượng bản so với cùng kỳ năm 2010. Ngành In vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định, dự kiến đạt khoảng 900 tỷ trang in 13 x 19cm, tăng 10% so với năm 2010, tổng doanh thu tăng khoảng 7%; nộp ngân sách nhà nước tăng khoảng 2%. Thu nhập bình quân tăng khoảng 15%.

 Các doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT tiếp tục giữ mức cao về tốc độ tăng trưởng doanh thu. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông ước đạt 120.800 tỷ đồng, tăng 18,26% so với năm 2010 trong đó dịch vụ BCVT-CNTT đạt 103.864 tỷ đồng, tăng 24,98% so với năm 2010. Thuê bao cố định đạt 9.349 thuê bao; thuê bao di động đạt 83.022 thuê bao; thuê bao Internet băng rộng đạt 2.892 thuê bao, bằng 112,34% so với năm 2010. Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam có tổng số điểm phục vụ trên toàn quốc đến cuối năm 2011 là 17.976 điểm, trong đó có 2.922 bưu cục, 8.025 điểm Bưu điện-Văn hoá xã; Doanh thu của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) ước thực hiện 116.012 tỷ đồng trong đó tổng doanh thu phát sinh trong nước 105.432 tỷ đồng, tổng doanh thu phát sinh nước ngoài 10.580 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 9.453 tỷ đồng; Năm 2011, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) hoàn thành kế hoạch với mức tăng trưởng cao hơn năm 2010, ước đạt doanh thu 10.300 tỷ đồng.

 Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Bưu điện, Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin với 10 chữ vàng “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình”, ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam kế thừa quá khứ, tiếp nối lịch sử, tiếp bước cha anh, không ngừng phát triển và trưởng thành, thực hiện thành công phương châm hành động “Đoàn kết, Trí tuệ, Đổi mới, Hội nhập và Phát triển” trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Theo mic.gov.vn 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây