Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 29/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về về tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024 và Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 07/12/2023 của UBND tỉnh về bảo đảm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trong dịp Lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
Đối với Công an tỉnh, Công an các địa phương trong tỉnh:
- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân và người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT), tuân thủ hiệu lệnh và hướng dẫn của lực lượng chức năng; nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau khi tham gia giao thông; chủ động tham gia giao thông an toàn và thực hiện nghiêm
"Đã uống rượu, bia - không lái xe"; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; phòng tránh tai nạn đường ngang đường sắt và đường thủy nội địa,...
- Triển khai các phương án tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh đối với tất cả các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là trên đường bộ; tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như vi phạm quy định về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều đường, dừng, đỗ trái phép, quay đầu xe, tránh, vượt không đúng quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, không nhường đường cho xe ưu tiên,...
- Ngăn chặn và xử lý triệt để các vụ đua xe trái phép, tụ tập gây rối trật tự công cộng, vi phạm khi qua đường ngang, phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.
Đối với Sở Giao thông vận tải tập trung triển khai:
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các đơn vị kinh doanh vận tải có phương án bảo đảm năng lực vận tải, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không trong dịp nghỉ Tết, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến; xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc, xe chở quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định.
- Bảo đảm điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa lũ gây ra; rà soát bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế.
- Khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông và trả lại lòng đường phục vụ Nhân dân đi lại; có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông, kịp thời giải tỏa, không để phát sinh ùn tắc kéo dài khi có sự cố, tai nạn giao thông, nhất là thời điểm trước và ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên các tuyến trục chính, các tuyến kết nối đến nhà ga, sân bay, bến cảng và khu vực tổ chức Lễ hội.
Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát Thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội
Tăng cường thời lượng và nội dung tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Cập nhật kịp thời tình hình tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông, nhất là các tuyến giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các khu vực tổ chức các sự kiện, lễ hội; công bố thông tin cụ thể về phương án tổ chức, phân luồng giao thông, phương án tổ chức giao thông phục vụ các dự án có sử dụng lòng, lề đường, kế hoạch phục vụ vận tải; hướng dẫn người dân lựa chọn phương tiện, thời gian đi lại phù hợp, hạn chế dồn quá đông người đi lại trong thời gian cao điểm.
- Thường xuyên tuyên truyền Nhân dân thực hiện nghiêm các quy định
"Đã uống rượu, bia - không lái xe"; "Không sử dụng điện thoại khi lái xe"; "Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện"; "Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô", "Tuân thủ quy định về tốc độ".
Đối với Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc men để bảo đảm khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông.
Đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Chủ động lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả để đẩy lùi, giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm tốt nhất an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản cho Nhân dân; có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; có phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên địa bàn.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch tỉnh về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại địa phương mình quản lý.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tổ chức trực theo chế độ 24/7, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo kết quả tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định.