Ngành xuất bản phải đẩy mạnh chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng phát triển của nền xuất bản trên thế giới

Thứ năm - 24/03/2022 11:57 938 0

Ngày 23/3/2022, tại TP.Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2022. Tới dự và đồng chủ trì có các đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn; lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, Sở TT&TT, đại diện các nhà xuất bản, đơn vị phát hành trên toàn quốc.

 

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT): Tính hết năm 2021, cả nước có 57 nhà xuất bản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước) và 42 đơn vị sự nghiệp công lập.

Tổng doanh thu toàn Ngành đạt 2.996,667 tỷ đồng (tăng 12,4 %); Nộp ngân sách 260,732 tỷ đồng (tăng 71,7%); Lợi nhuận (sau thuế) đạt 384,243 tỷ đồng (tăng 80,7%); Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 4,08 bản/người/năm (giảm 1,2%).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nguyên cũng thừa nhận tình trạng sụt giảm doanh số và khó khăn chồng chất đối với ngành Sách vào năm 2021 khi cao điểm dịch COVID-19 diễn ra tại TP.HCM và các tỉnh thành. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm, khi dịch bệnh tạm yên, ngành Xuất bản đã bứt phá vượt lên và đạt được nhiều kết quả đáng kể.

Về lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, năm 2021, toàn Ngành phát hành trên 225 triệu xuất bản phẩm; số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu đạt 300.000 bản; số lượng xuất bản phẩm nhập khẩu đạt 20,8 triệu bản; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xuất bản phẩm đạt 15 triệu USD...

20220323-l3.jpg

 Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm và Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn trao Bằng khen của Bộ TT&TT cho các đơn vị.


Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: Các nhà xuất bản, doanh nghiệp in và phát hành xuất bản phẩm cần đề cao trách nhiệm chính trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cung cấp nhiều sách hay, giá trị, đúng định hướng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, có khả năng thu hút cả triệu người đọc, tác động tích cực vào nhận thức xã hội từ đó tạo thành sức mạnh quốc gia, dân tộc.

Ngành Xuất bản cần tiếp tục nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, nhằm xuất bản được nhiều cuốn sách có giá trị, thu hút nhiều đối tượng bạn đọc vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, vừa đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, tăng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ và vai trò, vị thế của nhà xuất bản; tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá sách, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc thông qua việc tích cực tổ chức các dự án truyền thông, giới thiệu sách trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; nâng cao vị thế và uy tín của Giải thưởng Sách Quốc gia, tạo sự lan tỏa rộng rãi những giá trị của các cuốn sách đạt Giải; đẩy mạnh các hoạt động tổ chức Hội chợ, triển lãm sách phù hợp với quy mô và đặc điểm của các địa phương, nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình Đường Sách, Phố Sách; hình thành các mô hình, không gian văn hóa đọc cộng đồng hiện đại, thân thiện có sức thu hút mạnh mẽ các đối tượng độc giả; đặc biệt tổ chức thật tốt các hoạt động của chào mừng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất và các hoạt động chào mừng 70 năm truyền thống Ngành Xuất bản, In và Phát hành.


Các đơn vị trong toàn Ngành cần khẩn trương xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới, đón đầu các thời cơ phục hồi và tăng trưởng trở lại sau đại dịch. Có phương án tham mưu, đề xuất với cơ quan chủ quản tăng cường nguồn lực cho các nhà xuất bản; bố trí dành cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho đơn vị phát triển kinh tế hiệu quả, xuất bản nhiều ấn phẩm có giá trị, chất lượng, có sức lan tỏa, phục vụ nhu cầu bạn đọc và thị trường không chỉ ở trong nước mà phải hướng đến khu vực và quốc tế; cố gắng bỏ tư duy làm ăn manh mún, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua. Đặc biệt phải chủ động quan tâm, đầu tư cho nhà xuất bản trong việc thực hiện chuyển đổi số, trước hết là đầu tư hạ tầng, nhân lực kỹ thuật để ứng dụng công nghệ thông tin, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển.

Song song với đó là đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ, nguồn nhân lực để đảm bảo điều kiện hoạt động và phát triển xuất bản điện tử, bắt kịp xu hướng phát triển của nền xuất bản trên thế giới. Các cơ quan chủ quản cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ nền tảng công nghệ điện tử cho các nhà xuất bản, đồng thời tạo cơ chế và không gian hợp tác giữa nhà xuất bản với doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp phát hành hình thành chuỗi kết nối giá trị đưa xuất bản phẩm đến với đông đảo bạn đọc.

Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng làm chủ công nghệ phù hợp với yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản điện tử; chú trọng quy hoạch, bồi dưỡng nhân sự lãnh đạo kế cận và nguồn lực biên tập viên, tránh tình trạng thiếu hụt nhân sự kéo dài ở như ở một số nhà xuất bản. Đề nghị các cơ quan chủ quản phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý trong việc giám sát thực thi pháp luật của các nhà xuất bản và có cơ chế cụ thể tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc phát triển. 

 

Theo mic.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây