Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc, Quân đội và Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, tiếp thêm sức mạnh cho mọi thế hệ phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển (Ảnh: Tư liệu)
* Mở đường vận tải chiến lược trên biển
Đầu năm 1960, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong khi vận chuyển đường bộ trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới, Tổng Quân ủy chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5; Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho cách mạng miền Nam.
Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử 5 thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Những chuyến thuyền vận chuyển thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam.
Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải thủy do đồng chí trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Lực lượng của Đoàn ban đầu có 38 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V vừa điều ra.
Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 23/10 trở thành Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1961 đến năm 1975, cán bộ, chiến sĩ trên tuyến vận tải biển đã vượt qua muôn ngàn gian khổ, khắc phục khó khăn, mưu trí, dũng cảm, táo bạo; vượt qua sóng to, gió lớn; vượt qua sự phong tỏa đặc biệt, vây ráp gắt gao của kẻ thù. Hàng trăm lượt tàu đã ra khơi, hàng ngàn tấn vũ khí, hàng hóa, thuốc chữa bệnh và hàng chục ngàn lượt người đã từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam, trực tiếp góp phần cùng toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; trở thành biểu tượng tự hào của cả dân tộc Việt Nam, hiện thân của ý chí khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc; là trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
* Tàu không số cập bến Lộ Diêu
Đài tưởng niệm tại Di tích Tàu không số tại bến Lộ Diêu (Nguồn:TTXVN)
Đầu năm 1960, cấp trên tăng cường đồng chí Trần Phi Khanh (quê ở xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân) về Bình Định làm cán bộ tham mưu Tỉnh đội, thực chất là về chuẩn bị bến bãi cho tàu không số vào Bình Định. Sau thời gian khảo sát, đồng chí nhận thấy bãi ngang thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn) hội đủ các điều kiện cho tàu không số cập bến. Lộ Diêu có địa thế biệt lập với một mặt biển và ba mặt núi, hai đầu thôn có đèo Lộ Diêu đi ra xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn) và đèo Hà Ra đi vào xã Mỹ Đức (Phù Mỹ).
Trước yêu cầu của chiến trường và sự chỉ đạo của Trung ương, tháng 7/1963, Tỉnh ủy Bình Định thành lập Đoàn công tác đặc biệt ra miền Bắc do đồng chí Trần Phi Khanh làm Trưởng đoàn cùng ba đảng viên: Lê Văn Nốt (thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ), Phan Văn Kiệm và Phan Văn Khương (thôn Phú Thứ, xã Mỹ Đức) để báo cáo Trung ương về công tác chuẩn bị của Bình Định.
Sau 4 tháng vượt Trường Sơn, Đoàn công tác của Bình Định có mặt tại Hà Nội; đồng chí Trần Phi Khanh báo cáo với Trung ương nguyện vọng của Tỉnh ủy và nhân dân Bình Định xin chi viện vũ khí để đẩy mạnh đấu tranh vũ trang.
Tỉnh ủy Bình Định thành lập bộ phận chuyên trách (HB15) chuẩn bị các mặt để đón tàu, do đồng chí Trương Trọng Hạng - Tỉnh đội phó, Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy và thành lập 2 đại đội được chọn lọc kỹ về chính trị, huấn luyện kỹ về chiến đấu, kỹ thuật công binh, quân giới để chuẩn bị hệ thống kho bảo đảm bí mật, khô ráo, an toàn và được trang bị đài 15W để thường xuyên liên lạc với cấp trên.
Ngày 21/9/1964, Tàu 401 (đóng theo dạng tàu đánh cá miền Nam) được lệnh chở 30 tấn vũ khí lên đường vào Khu V; tàu có 12 cán bộ, chiến sĩ, Thuyền trưởng là đồng chí Phạm Vạn (quê Quảng Ngãi), 2 Thuyền phó là đồng chí Trần Phấn và đồng chí Trần Phi Khanh (quê Bình Định), Chính trị viên là đồng chí Đặng Văn Thanh (quê Bình Thuận) cùng 8 thuyền viên đều là người miền Nam. Khi hành trình trên biển, gặp gió mùa Đông Bắc tràn về mạnh, Chi ủy tàu hội ý và quyết định cho tàu quay trở lại.
Ngày 10/10, tàu xuất phát lần thứ hai, ra khơi gặp bão, đành phải đưa tàu vào trú tạm tại đảo Hải Nam. Đến ngày 25/10, tàu nhổ neo tiếp tục hành trình. Khi tàu ra đến hải phận quốc tế, Hạm đội của Mỹ phát hiện và cho 2 máy bay theo dõi, điều 2 tàu hải quân ngụy ở Đà Nẵng bám theo. Anh em trên tàu rất bình tĩnh và chuẩn bị tư thế sẵn sàng chiến đấu, khi cần thiết thì hủy tàu và hy sinh. Ngày 31/10, tàu gần đến hải phận Bình Định, trời kéo mây phủ và nổi gió, trút xuống cơn mưa to và sóng lớn nên 2 tàu của địch bỏ cuộc. Tranh thủ thời cơ, tàu hướng vào Lộ Diêu; do sóng to gió lớn nên thuyền bị trôi dạt vào gần bờ thuộc vùng biển Tân Phụng (Mỹ Thọ, Phù Mỹ), Chỉ huy cho tàu chạy ngược về Lộ Diêu.
Thực hiện đúng kế hoạch, ta cho gác hai đầu đèo không để người vào ra, tổ chức bảo vệ tàu, huy động toàn bộ lực lượng đào bãi cát để khẩn trương chôn giấu vũ khí. Tàu 401 bị mắc cạn và hư hỏng nặng, sau khi bốc dỡ xong vũ khí, Chi bộ quyết định đốt hủy tàu để xóa dấu vết.
Máy bay của địch quần lượn liên tục, bọn hải thuyền của địch ở Tam Quan, Đề Gi tuần tra nhưng ta loan tin là tàu đánh cá bị sóng đánh dạt vào bờ bốc cháy. Những đêm tiếp theo, ta tiếp tục huy động thêm cán bộ, đảng viên của xã Hoài Mỹ và thôn Phú Thứ để chuyển vũ khí lên kho tạm trên núi để lực lượng chuyên trách chuyển về kho bí mật an toàn. Đây là chuyến tàu không số đầu tiên vào khu V, bảo đảm an toàn về người và vũ khí.
Số vũ khí này được trang bị cho các trung đoàn chủ lực Quân khu 5 và lực lượng vũ trang trong tỉnh, góp phần quan trọng vào chiến thắng trong chiến dịch Đông Xuân 1964 - 1965 với những trận đánh lớn như: An Lão (12/1964), Đèo Nhông - Dương Liễu, Đồi Mười, Gò Bồi (2/1965)… và mở ra vùng giải phóng liên hoàn, cắt đường số 1 từ Bồng Sơn đi Quảng Ngãi.
Thắng lợi của tàu không số cập bến Lộ Diêu đã góp phần vào những chiến công của Đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc và mãi mãi là một huyền thoại bất tử, đi vào lịch sử như một kỳ tích của thế kỷ XX.
Với sự kiện tàu không số cập bến Lộ Diêu, năm 2005 UBND tỉnh công nhận Bãi biển Lộ Diêu là Di tích cấp tỉnh. Năm 2019, Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp với TX Hoài Nhơn xây dựng và khánh thành Đài tưởng niệm tại Di tích. Đây là nơi ghi nhớ công lao của những chiến sĩ tàu không số và là địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
theo https://binhdinh.dcs.vn/
Ý kiến bạn đọc