Trước diễn biến ngày càng phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn hiệu quả bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh phải coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này, các cấp ủy đảng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và tổ chức xã hội khẩn trương, kiên quyết thực hiện đồng bộ các biện pháp do các bộ, ngành, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; phát hiện sớm và dịp thời dập tắt dịch, không để lây lan trên diện rộng, trong tình huống dịch xảy ra.
Cần thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình dịch bệnh tả lợn theo nguyên tắc vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị tốt các điều kiện để chống dịch và khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế trong tình huống dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh; kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp đủ sức thực thi nhiệm vụ.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi là một loại bệnh gây ra bởi một loại virus có ADN phức hợp của dòng virus họ Asfarviridae. Virus này có đặc tính đặc biệt đề kháng với môi trường mà không có biện pháp điều trị cũng như tới nay chưa có vaccine phòng ngừa, và tỷ lệ chết lên đến 100% trong tất cả các trại heo. Với lý do này, bệnh dịch tả lợn Châu Phi dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng đối với giới chức y tế và ngành công nghiệp về thịt heo. Bệnh chỉ ảnh hưởng đến tất cả các loại heo, ở tất cả các giống và độ tuổi, thường xuất hiện trong các trại chăn nuôi heo và heo hoang dã (như heo rừng châu Phi), heo rừng, heo ven sông châu Phi, heo rừng to châu Phi, lợn lòi Trung và Nam Mỹ. Nó không ảnh hưởng đến con người hoặc những động vật khác. Nhưng, con người và động vật khác có thể có vai trò quan trọng trong việc gieo rắc bệnh này. Ở nước ta, từ tháng 02/2019 đến nay, bệnh dịch đã xảy ra tại 48 tỉnh, thành phố, tiêu hủy gần 2 triệu con lợn. Tại Bình Định, ngành thú y tỉnh đã tiến hành tiêu hủy theo quy trình đối với đàn heo có 53 con bị dịch tả lợn Châu Phi của một hộ chăn nuôi ở P.Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn (theo tin từ Báo Thanh niên ngày 05/6/2019).
|
Minh Tân (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc