TTTT: Bình Định kiên quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Thứ sáu - 24/11/2017 11:58 190 0

Ngày 01/11/2017, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp triển khai các nội dung theo Nghị quyết số 42/2017/QH14; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ về thu hồi nợ; triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD. Cục Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thi hành án các cấp triển khai có hiệu quả các Văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng Cục thi hành án dân sự. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là phương tiện giao thông; giải quyết nhanh thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo quy định. Các Sở, ban, ngành liên quan khác: Trong phạm vi trách nhiệm của mình, hỗ trợ các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trong việc xử lý nợ xấu và thực hiện tái cơ cấu theo quy định tại Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg.

 

Được biết, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được Quốc hội thông qua từ ngày 21/6/2017 và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, trong vòng 5 năm. Nghị quyết này cho phép áp dụng nhiều chính sách mới về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu phải bảo đảm 04 nguyên tắc sau: Một là bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Hai là phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; Ba là không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; Bốn là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

 

Để triển khai Nghị quyết, ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1058/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”. Đề án tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Mục tiêu: Đến năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên); có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á; đồng thời, tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam; các quỹ tín dụng nhân dân đạt mức vốn điều lệ tối thiểu 01 tỷ đồng./.

 

Minh Tân (tổng hợp)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây