Chiều ngày 7/9/2021, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Phát động phong trào thi đua đặc biệt “Ngành TT&TT đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị. Tham dự có các Thứ trưởng, Lãnh đạo Công đoàn TT&TT Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ TT&TT, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ và các Sở TT&TT. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, “Hội nghị hôm nay được tổ chức kịp thời nhằm khơi gợi truyền thống thi đua yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nỗ lực vượt khó khăn của toàn thế cán bộ công chức, viên chức, người lao động của ngành TT&TT, góp phần đưa đất nước vượt qua đại dịch Covid-19”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Trong những lúc khó khăn, rất cần đến thi đua. Vì khó hơn thì mới cần đến thi đua, thi đua là để làm tốt hơn. Đơn vị bạn làm tốt, ta sẽ làm tốt hơn. Đơn vị bạn nhìn ta làm tốt hơn thì sẽ thi đua làm tốt hơn. Đó là vòng quay không ngừng nghỉ của thi đua"
Người đứng đầu ngành TT&TT đánh giá, Ngành đã có nhiều đóng góp trong phòng chống đại dịch Covid-19, đặc biệt trong đợt bùng phát lần thứ 4 với biến thể Delta lây lan rất nhanh, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Công tác thông tin tuyên truyền được tăng cường, đã thành lập Tiểu Ban Truyền thông thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19; tổ chức bộ phận truyền thông tiền phương tại TP.HCM. Các doanh nghiệp viễn thông đã có chính sách hỗ trợ cước viễn thông cho người dân lên tới 10.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp công nghệ số đã chung tay xây dựng Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid–19 Quốc gia. Một đồng chí Thứ trưởng chỉ huy tại phía Nam ngay từ đầu dịch. Ngành TT&TT đã hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp 500 nghìn gói quà an sinh cho hàng trăm nghìn người vô gia cư tại TP.HCM, hỗ trợ hàng triệu tờ báo cho bà con TP.HCM trong những ngày giãn cách tăng cường.
“Trong những lúc khó khăn, rất cần đến thi đua. Vì khó hơn thì mới cần đến thi đua, thi đua là để làm tốt hơn. Đơn vị bạn làm tốt, ta sẽ làm tốt hơn. Đơn vị bạn nhìn ta làm tốt hơn thì sẽ thi đua làm tốt hơn. Đó là vòng quay không ngừng nghỉ của thi đua”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phan Tâm phát động phong trào thi đua đặc biệt “Ngành TT&TT đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”
Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, vừa để học trực tuyến vừa thúc đẩy xã hội số. Vậy, ngành ta sẽ làm gì?
Covid là cú huých thúc đẩy cả xã hội chuyển nhanh sang môi trường số nên nhu cầu về dung lượng nhất là mạng thông tin di động sẽ tăng cao. Vậy bao giờ chúng ta mới cấp được tần số 4G, 5G cho các nhà mạng?
Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid Quốc gia đã huy động công sức của hàng ngàn người, hàng chục ngàn máy tính ảo, tất cả là sự đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp công nghệ số. Nhưng các nền tảng này đã dùng chung, đã kết nối, đã chia sẻ dữ liệu ở tất cả các tỉnh chưa? Tại sao thời công nghệ số mà vẫn có địa phương cấp giấy đi đường một cách thủ công?
Cấp xã, phường là cấp cơ sở, mọi việc đều diễn ra ở đây, thành bại là ở đây, quan liêu hay không cũng là ở đây, tổ chức thực hiện kém hay không cũng là ở đây. Vậy tại sao mới có 50% xã phường có hội nghị truyền hình 2 chiều?
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Chúng ta nói nhiều đến thương mại điện tử (TMĐT), đến kinh tế số là động lực thúc đẩy chính nhưng chúng ta có sàn TMĐT nội địa nào đủ lớn? Là đất nước có tới 60% dân số sống ở nông thôn, chúng ta có sàn TMĐT nào cho bà con nông dân không?
Chúng ta đang có nhiều nền tảng số và coi đây là lời giải chính cho chuyển đổi số quốc gia. Những nền tảng này so với các nền tảng xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam thì to hay nhỏ, chính hay phụ? Chuyển đổi số là toàn dân, toàn diện, nhưng có bao nhiêu nền tảng số Việt Nam đơn giản, dễ sử dụng như Zalo để thu hút hàng chục triệu người dùng?
“Những câu hỏi này và hàng loạt câu hỏi khác nữa sẽ kích hoạt phong trào thi đua của chúng ta trong năm nay. Hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt “Ngành TT&TT đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, tôi mong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT tiếp tục có nhiều đề xuất sáng tạo, chung tay, góp sức chia sẻ đồng hành cùng đất nước vượt qua đại dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Ngành TT&TT đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các cơ quan, đơn vị, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hưởng ứng, triển khai các phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề, nội dung phù hợp, tạo động lực khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân tích cực tham gia thi đua đẩy lùi sự bùng phát của dịch bệnh, duy trì và thúc đẩy các hoạt động công tác, hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh và an toàn xã hội. Phong trào thi đua phải được được triển khai sâu rộng, đồng bộ trong toàn ngành TT&TT, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; Phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các gương người tốt, việc tốt, các mô hình tiêu biểu, những cách làm hay trong trong việc thực hiện “mục tiêu kép”: vừa đảm bảo công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng nghe các tham luận hưởng ứng Phong trào thi đua từ bốn cơ quan, đơn vị trong ngành TT&TT: Cục Tin học hoá, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Sở TT&TT Quảng Ninh và Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel.
Chọn 5 nhiệm vụ khó, tạo ra giá trị và quyết tâm hoàn thành
Đó là mục tiêu của Cục Tin học hoá trong thời gian tới mà ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng đã nhấn mạnh trong bài tham luận hưởng ứng phong trào thi đua tại Hội nghị. Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều, nhưng cho đến nay, các nền tảng công nghệ phòng, chống Covid vẫn chưa so sánh được với các ứng dụng và dịch vụ công nghệ phổ biến trên thị trường. Các nền tảng chống dịch còn trùng lặp, dữ liệu phân tán, Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia đã dần hợp nhất, liên thông dữ liệu để giải quyết những khó khăn này.
Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia là minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ của các ngành ở cấp Trung ương; các Tổ công nghệ phòng chống Covid-19 là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ ở cấp địa phương. Từ đó hình thành được mạng lưới công nghệ thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Công nghệ - giải pháp sống còn trong công tác phòng chống dịch
Bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương. Công nghệ hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh một cách nhanh nhất, an toàn nhất. Công nghệ cũng là giải pháp sống còn trong công tác phòng chống dịch bệnh ngay cả khi tỉnh đang ở trạng thái an toàn.
Về phía doanh nghiệp, ông Ngô Vĩnh Quý, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions cho biết, Viettel Solutions đã tham gia phát triển các nền tảng công nghệ chống dịch hiện đang được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc như: Nền tảng Tiêm chủng Covid-19 Quốc gia; Hệ thống khai báo y tế toàn dân; Nền tảng quản lý camera giám sát các khu cách ly. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng góp phần triển khai kết nối 100% đến tuyến xã, phường phục vụ hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa và tư vấn bệnh nhân Covid-19.
Đại diện Viettel Solutions cam kết, toàn thể cán bộ Tổng công ty luôn sẵn sàng tinh thần cống hiến, tinh thần chiến đấu hết mình để thực hiện mọi nhiệm vụ mà Chính phủ, Bộ TT&TT và Tập đoàn giao; cam kết dành mọi nguồn lực tốt nhất để thực hiện các nghiệp vụ phòng chống dịch, giúp cho Chính phủ sớm đưa đất nước đến trạng thái bình thường mới.
Ý kiến bạn đọc