1. Lĩnh vực công nghệ thông tin
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh tiếp tục duy trì và mở rộng triển khai trên toàn tỉnh như:
Hệ thống văn phòng điện tử kết nối liên thông đến 100% các cơ quan hành chính của tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn; 100% các các cơ quan hành chính cấp tỉnh, UBND cấp huyện sử dụng chữ ký số trong hoạt động cơ quan Nhà nước (năm 2018 đã cấp phát chữ ký số cho 257 tổ chức, 893 cá nhân và 02 chứng thư số); 90% các sở, ban, ngành triển khai hệ thống một cửa điện tử (21 sở, ban, ngành và 11 huyện thị xã, thành phố); 90% các sở, ban, ngành triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh; 100% UBND các huyện, thị, thành phố có điểm cầu truyền hình trực tuyến. Nhiều chỉ số, thành phần trong báo cáo kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của tỉnh Bình Định (do Bộ TT&TT ban hành) tăng hơn năm trước như: Cổng TTĐT Bình Định đứng thứ 3 toàn quốc; về xây dựng cơ chế chính sách đứng thứ 14; ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ của các cơ quan đứng thứ 23; về nguồn nhân lực xếp hạng thứ 25.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng về CNTT được chú trọng, nội dung phù hợp, thiết thực, như: tổ chức 11 lớp đào tạo, tập huấn về lập và quản lý dự án CNTT, dự toán chi phí đầu tư ứng dụng và sử dụng hệ thống văn phòng điện tử, chữ ký số…; Tổ chức 02 đợt diễn tập về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trong cơ quan nhà nước tỉnh Bình Định.Triển khai ứng dụng phần mềm "Quản lý lưu trú trực tuyến" cho trên 300 cán bộ công an xã, phường, thị trấn, cơ quan thuế, tài chính và trên 600 cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh.
Hình thành ngành công nghệ phần mềm tại Bình Định, theo đó UBND tỉnh ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Phần mềm FPT; Công ty TMA Solutions TP. HCM mở Chi nhánh tại TP. Quy Nhơn và khởi công xây dựng công viên sáng tạo phần mềm tại Khuôn viên Khu khoa học và giáo dục Quy hòa, TP. Quy Nhơn; Tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư CNTT tại Bình Định và chương trình giao lưu giữa Liên minh các doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ CNTT Việt Nam với tỉnh Bình Định.
2. Lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông
Triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, với mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất, từ công nghệ tương tự sang công nghệ số và mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số. Theo đó, đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, khảo sát vùng ảnh hưởng chuyển đổi và đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho 10.329 hộ nghèo, hộ cận nghèo 115 xã, phường, thị trấn của 9 địa phương trên địa bàn tỉnh tỉnh.
Triển khai nghiêm túc việc cập nhật bổ sung thông tin quản lý thuê bao di động theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ; chuyển đổi mã mạng thuê bao 11 số đổi sang 10 số và triển khai thực hiện Mã bưu chính quốc gia giai đoạn 2018-2023; tăng cường các biện pháp quản lý đối với thuê bao di dộng trả trước, đẩy mạnh xử lý các số thuê bao thực hiện rao vặt, quảng cáo không đúng quy định trên địa bàn Thành phố Quy Nhơn.
Hạ tầng mạng viễn thông triển khai đúng quy hoạch; mạng lưới bưu chính, viễn thông tiếp tục hoạt động ổn định, đảm bảo cung cấp các dịch vụ và đáp ứng kịp thời nhu cầu về chuyển phát thư, báo, các loại công văn giấy tờ, bưu phẩm, bưu kiện cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân; bảo đảm giữ vững thông tin liên lạc trong PCLB và TKCN, diễn tập khu vực phòng thủ. Hiện nay, 95,5% xã có báo Đảng đọc trong ngày; mật độ thuê bao điện thoại đạt 94 máy/100 dân (giảm 9% so với cùng kỳ, với 1.385.705 thuê bao); thuê bao Internet tăng 34% so với năm 2017 (với 154.555 thuê bao); bán kính phục vụ mạng Bưu chính đạt 3,03 km/điểm phục vụ. Tổng doanh thu năm 2018 ước đạt 963,676 tỷ đồng (tăng 22,6% năm 2017), đóng góp vào ngân sách nhà nước 62,742 tỷ đồng, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
3. Lĩnh vực báo chí, xuất bản, in, phát hành
Các cơ quan báo chí địa phương và các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về báo chí; tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quảng bá hình ảnh, con người của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần kêu gọi các nhà đầu tư đến với Bình Định.
Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm tỉnh Bình Định giai đoạn 2018-2020. Tổ chức phát động Tuần Lễ sách và văn hóa đọc nhân Ngày sách Việt Nam 21/4 và tổng kết 05 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam... Hoạt động xuất bản phẩm tài liệu không kinh doanh của các cơ quan, đơn vị ngày càng được chú trọng, nội dung đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Năm 2018, có 530.048 bản tin được xuất bản với hơn 1,200 triệu bản in. Hoạt động phát hành xuất bản phẩm tiếp tục được duy trì với tổng lượng sách, văn hóa phẩm bán ra hơn gần 05 triệu bản. Tổng doanh thu về hoạt động in, phát hành năm 2018, ước đạt 358,5 tỷ đồng.
4. Hoạt động thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở
Nội dung tuyên truyền về thông tin đối ngọai, hội nhập quốc tế trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang Fampage “Tin tức Bình Định” được nâng lên; Tổ chức 03 đợt Triễn lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; Triển khai Biên bản ghi nhớ giữa Sở TT&TT Bình Định với Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch 04 tỉnh Nam Lào, qua đó đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về hoạt động báo chí cho 08 cán bộ làm công tác báo chí của 04 tỉnh Nam Lào; Ký kết “Chương trình phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại ở khu vực biên giới biển, đảo tỉnh Bình Định giai đoạn 2018-2020”; Tổ chức 03 Hội nghị tuyên truyền về biển, đảo và các sự kiện hội nhập kinh tế quốc tế và kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí cho 270 cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại các sở, ban ngành, lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã. Tổ chức thành công Liên hoan chương trình phát thanh tỉnh Bình Định năm 2018 đối với Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn.
5. Hoàn thành nội dung Giảm nghèo về thông tin năm 2018 (thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững).
Dự án “Giảm nghèo về thông tin” bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, nguồn vốn ngân sách đã được sử dụng hiệu quả, các hoạt động đã bám sát các tiêu chí của dự án và chú trọng đến đối tượng là người nghèo, hộ nghèo trên phạm vi toàn tỉnh. Năm 2018, đã hỗ trợ 100 phương tiện nghe - xem hộ nghèo; sản xuất 3 phóng sự truyền hình và biên soạn, xuất bản Tài liệu Hỏi – đáp về chính sách giảm nghèo, phổ biến về khoa học, kỹ thuật... Thông qua công tác thông tin, tuyên truyền đã tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân, góp phần động viên hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
6. Sắp xếp, tổ chức các phòng trực thuộc Sở
Thực hiện sắp sếp tổ chức các đơn vị trực thuộc Sở theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa 12, theo đó đã tiến hành bàn giao Cổng TTĐT tỉnh từ Sở Thông tin và Truyền thông cho VP UBND tỉnh quản lý vận hành từ ngày 01/01/2019.
Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp của Sở Thông tin và Truyền thông, theo đó tổ chức bộ máy của Sở từ 6 phòng và 01 đơn vị sự nghiệp, còn 04 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 01 đơn vị sự nghiệp. Về số lượng vị trí việc làm đối với cấp trưởng, cấp phó trưởng phòng giảm còn 04 người cấp trưởng; 03 người cấp phó trưởng phòng và tương đương.
Phối hợp các đơn vị liên quan, hướng dẫn thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao trên cơ sở sáp nhập Trung tâm văn hóa - Thông tin và Đài truyền thanh cấp huyện, đến nay đã có 08/11 địa phương được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt Đề án và đã có 04 địa phương thực hiện việc thành lập Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao.
THU HÒA
Ý kiến bạn đọc